Theo CNBC, người phụ nữ 31 tuổi ở Tây Ban Nha có kết quả dương tính lần đầu vào ngày 20/12/2021, trong một lần xét nghiệm PCR định kỳ dành cho nhân viên. Được biết, trước đó 12 ngày, nữ nhân viên chăm sóc sức khỏe này đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3.
Mặc dù không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào nhưng người phụ nữ vẫn tự cách ly 10 ngày trước khi trở lại làm việc. Đến ngày 10/1/2022, người phụ nữ bất ngờ bị ho, sốt và cảm thấy không khỏe, kết quả xét nghiệm PCR cho thấy cô lại dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hai lần mắc COVID-19 của người phụ nữ này chỉ cách nhau vỏn vẹn 20 ngày – khoảng cách giữa các lần lây nhiễm ngắn nhất từng được ghi nhận. Kết quả giải trình tự gen cho thấy cô nhiễm 2 biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2, lần đầu là Delta, còn lần thứ hai là Omicron.
Nghiên cứu về trường hợp của nữ nhân viên này sẽ được báo cáo tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm của châu Âu ở Lisbon (Bồ Đào Nha) vào cuối tuần tới. Tiến sĩ Gemma Recio, một trong những tác giả nghiên cứu nhận định ca bệnh này cho thấy rõ hơn khả năng tránh miễn dịch có được từ vaccine và các lần nhiễm bệnh trước đó của biến thể Omicron.
“Những người từng mắc COVID-19 không thể nghĩ rằng bản thân sẽ không tái nhiễm, ngay cả khi họ đã tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, dường như việc nhiễm các biến thể khác trước đó và tiêm chủng sẽ góp phần ngăn tình trạng bệnh nặng và nhập viện ở những người nhiễm Omicron”, Tiến sĩ Recio cho hay.
Tạp chí Fortune thông tin, trước tháng 11/2021, số ca tái nhiễm ở Anh chiếm chưa đến 1% tổng số ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, sau khi biến thể Omicron lây lan mạnh tại đây, con số này tăng vọt lên 11%. Điều này cho thấy việc nhiễm các biến thể Alpha hay Delta trước đó không có khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại Omicron. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm 2 chủng virus cùng thuộc Omicron là không cao.
Dữ liệu ban đầu từ Vương Quốc Anh cho thấy một số người đã nhiễm cả hai biến thể phụ của Omicron, đầu tiên là BA.1 và sau đó là BA.2. Các nhà nghiên cứu tại Đan Mạch thống kê số liệu vào tháng 2/2021 và nhận thấy khả năng nhiễm trùng kép có thể xảy ra nhưng rất hiếm.
Nghiên cứu của Đan Mạch xem xét dữ liệu của 1,8 triệu ca COVID-19 từ cuối tháng 11/2021 đến giữa tháng 2/2022, đây chính là thời gian biến thể Omicron lây lan mạnh. Kết quả chỉ ghi nhận 187 trường hợp tái mắc COVID-19, xảy ra cách nhau từ 20-60 ngày. Trong số đó, có 47 trường hợp tái nhiễm với các biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron, chủ yếu xảy ra ở những người trẻ chưa tiêm chủng với triệu chứng nhẹ không dẫn đến nhập viện hoặc tử vong.
Dù 47 trường hợp tái nhiễm trên 1,8 triệu ca là một tỷ lệ rất thấp nhưng dữ liệu có thể thay đổi nếu được thu thập lâu hơn. Chia sẻ với DW, Monica Gandhi - giáo sư y khoa tại Đại học California (Mỹ), cho hay tình trạng tái nhiễm Omicron có thể trở nên phổ biến hơn so với nghiên cứu của Đan Mạch. Vị giáo sư này lưu ý, các kháng thể có được từ vaccine hoặc từng mắc bệnh có thể chỉ tồn tại trong khoảng 4 tháng và khi sự bảo vệ mất đi, mọi người lại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm virus.
Đinh Kim(Theo CNBC, Fortune)