Đã 21 năm trôi qua kể từ cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng ở Mỹ, câu chuyện về những vị anh hùng đã hy sinh vẫn còn được tiếp tục kể lại. Trong đó có phi công Hải quân Charles ‘Chic’ Burlingame, người đã hy sinh khi máy bay bị tin tặc cướp quyền kiểm soát và lao vào toà nhà Lầu Năm Góc.
Chia sẻ với Fox News, bà Debra Burlingame, em gái của phi công Burlingame, cho biết: "Vào ngày 11/9/2001, chúng tôi hoàn toàn bị sốc và ở trong thế bị động. Vị anh hùng của chúng tôi, người vốn không bao giờ gục ngã, đã bị cướp quyền kiểm soát máy bay và đâm vào Lầu Năm Góc. Đó là một chuyện khó tin với chúng tôi. Và giờ đây, người chiến binh của chúng tôi, một phi công Hải quân, một người đàn ông cứng cỏi, đã ra đi mãi mãi".
Anh trai của cô đã ở trên chiếc máy bay đã lao vào Lầu Năm Góc lúc 9h37 ngày 11/9 cách đây 21 năm. Ông đã qua đời chỉ một ngày trước khi bước sang tuổi 52.
Vụ va chạm đã giết chết 64 người trên máy bay vào thời điểm ấy, bao gồm 6 thành viên phi hành đoàn và 5 chiến binh có liên hệ với al-Qaeda đã cướp quyền kiểm soát máy bay. Ngoài ra, 125 người khác ở trong Lầu Năm Góc cũng đã bị giết chết khi máy bay va chạm với toà nhà này.
Bà Debra Burlingame cho biết, chị dâu bà đã gọi điện và nói bà mở TV xem tin tức vào khoảng 6h30 (giờ Los Angeles) ngày 11/9/2001. Bà kể lại: "Khi tôi mở TV lên, Toà tháp phía Bắc đã nghi ngút khói đen và chị ấy đã gọi cho tôi khi chiếc máy bay thứ 2 lao vào toà nhà. Đó là một cảnh tượng không bao giờ có thể quên. Tôi bắt đầu nhận được cuộc gọi từ mọi người quen hỏi rằng liệu anh trai tôi có trong các chuyến bay đó hay không. Và tôi đã nói rằng 'không thể nào, anh ấy bay ra khỏi Dulles, không có chuyện anh ấy ở không phận New York'".
Nhưng ngay sau đó, bà nhận được cuộc điện thoại của một người anh khác là Brad. Bà nói: "Anh ấy đã hét lên và tôi đã không thể hiểu anh ấy định nói gì. Và anh ấy chỉ nói lặp đi lặp lại rằng 'đó là Chic (biệt danh của ông Burlingame)'. Tôi chưa bao giờ thấy anh ấy xúc động như vậy. Tôi đã hỏi lại 'ý anh là gì?'. Tôi không nghĩ rằng anh ấy đang nói về những gì chúng tôi thấy trên TV vì tôi thật sự không muốn nghĩ đến chuyện ấy".
Bà Debra chia sẻ bà lớn lên trong một gia đình có truyền thống quân đội và đã di chuyển khắp nơi trong thời gian cha bà làm việc ở không quân. Ông Charles 'Chic' Burlingame sau đó đã tiếp nối bước đi của cha và gia nhập quân đội. Ông tốt nghiệp Học viện Hải quân vào năm 1971, điều khiển chiếc máy bay F-4 Phantoms trên tàu khu trục USS Saratoga và từng phục vụ ở Lầu Năm Góc vào thời điểm Chiến tranh vùng Vịnh. Ông là người đã nhận được Huân chương Phục vụ Quốc phòng hạng nhất và nghỉ hưu tại Hải quân năm 1996 với cấp bậc Đại úy sau 25 năm cống hiến.
Em gái ông nhớ lại: "Anh ấy rất yêu nước. Anh ấy đã vẽ quốc kỳ Mỹ trên cánh của một chiếc máy bay mà anh ấy tự đóng bằng gỗ vụn tại một trong những ngôi nhà cũ của chúng tôi. Anh ấy không muốn chỉ là một phi công bình thường. Anh ấy muốn trở thành một phi công quân sự. Và anh ấy đã ở trong ngành hàng không suốt cuộc đời mình".
Bà chia sẻ anh trai bà "rất yêu nước Mỹ, theo cách gia đình bà yêu đất nước".
Bà nói: "Cha tôi là một cựu binh vĩ đại, ông ấy là cựu binh thời Chiến tranh Thế giới II và có 20 năm làm việc trong không quân. Và đó cũng là cuộc sống của chúng tôi. Mỹ chỉ là một quốc gia mà chúng tôi là vĩ đại nhất thế giới. Cha tôi rất yêu nước này và ông ấy đã dạy cho chúng tôi điều tương tự, cho chúng tôi thấy điều đặc biệt của đất nước. Đó là lý do vì sao Chic rất phấn khích, anh ấy muốn làm một phi công, một phi công quân sự, được cống hiến cho đất nước".
21 năm sau thảm kịch kinh hoàng, bà Debra cho biết bà vẫn nghĩ tới người anh quá cố và trân trọng những chuyến đi trên hãng hàng không American Airlines, nơi những đồng nghiệp cũ của ông Chic kể lại cho bà nghe về những câu chuyện khi ông bay lượn trên bầu trời.
Bà Debra tâm sự bà và người anh trai còn lại thường xuyên hướng về người anh quá cố. Bà chia sẻ ngay cả khi đã trưởng thành, họ vẫn thường tự đặt câu hỏi: "Nếu là Chic thì anh ấy sẽ làm gì? Chic sẽ nghĩ thế nào?".
Có thể thấy, đã hơn 2 thập kỷ trôi qua kể từ ngày Mỹ hứng chịu cuộc tấn công khủng bố kinh khủng nhất lịch sử nhưng những nỗi đau vẫn còn đó, với gia đình của những nạn nhân đã thiệt mạng. Trong khi đó, bản thân nước Mỹ hiện đang chật vật tìm hướng đoàn kết sau quá nhiều chia rẽ. Bà Debra nói thêm: "Những gì tôi đang thấy bây giờ là buồn vì đất nước bị chia cắt ở nhiều cấp độ khác nhau, không chỉ về mặt chính trị mà còn về mặt tư tưởng về rất nhiều vấn đề. Và tôi thật buồn khi nghĩ đến những người trẻ tuổi hoặc sinh sau thời điểm hoặc quá trẻ để nhớ hoặc có bất kỳ ký ức nào về sự kiện 11/9. Họ lớn lên ở một đất nước mà họ không biết người Mỹ sẽ kề vai sát cánh ôm nhau và đối xử tốt với nhau như thế nào".
Minh Hạnh (Theo Fox News)