(ĐSPL) - Thời gian qua, nhiều đối tượng nghiện, trong cơn “ngáo đá” đã mất hết nhân tính gây ra những vụ án kinh hoàng, rúng động dư luận. Làm thế nào để có thể phòng ngừa, hạn chế đối tượng “ngáo đá” đe dọa đời sống xã hội?
PV báo Đời Sống và Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 bộ Công an).
Đại tá Phạm Văn Chình. |
Thế giới chưa có phác đồ điều trị người nghiện ma túy tổng hợp
Đại tá đánh giá như thế nào về mức độ sử dụng “ma túy đá” của giới trẻ Việt Nam hiện nay?
“Ma túy đá” vào Việt Nam năm 2014 tăng nhiều so với những năm trước, đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay. Các cơ quan chức năng đã bắt được số lượng tăng vượt trội. Loại ma túy này chủ yếu từ Trung Quốc, qua các cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn, gần đây là Hà Khẩu (Lào Cai). Ngoài ra, “ma túy đá” cũng được đưa từ Lào, Campuchia vào trong nước. Lực lượng chức năng đã quyết tâm, triệt phá nhiều đường dây ma túy tổng hợp lớn, có vụ thu tang vật gần chục kg “ma túy đá”.
Đó là hiểm họa lớn, de dọa trực tiếp đời sống xã hội, thưa Đại tá?
Ma túy tổng hợp nói chung, “ma túy đá” nói riêng, hiện nay một bộ phận dân chơi rất thích, ưa chuộng. Họ cho rằng, sử dụng loại ma túy này là sành điệu, đẳng cấp và không nghiện. Tuy nhiên, nhận thức như vậy là rất nguy hiểm. Thực chất, tác hại của “ma túy đá” cực lớn. Nếu sử dụng nhiều lần sẽ gây nghiện và một khi đã nghiện thì vô cùng khó cai. Hiện nay, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị đối với những người nghiện ma túy tổng hợp, mới chỉ có phác đồ điều trị đối với các chất như heroin, thuốc phiện... Trong trường hợp, nếu người nghiện quyết tâm, từ bỏ “ma túy đá” thì việc hỗ trợ cai cũng cực kỳ khó khăn.
Đại tá lý giải, tại sao nhiều trường hợp “ngáo đá” lại gây án kinh hoàng?
“Ma túy đá” ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, gây cho con người ảo giác hoang tưởng. Từ ảo giác đó, người “phê” luôn nghĩ rằng, có người đuổi đánh, chém giết mình. Vì vậy, những đối tượng này thường xuất hiện tư tưởng theo kiểu tự vệ, “chủ động” tấn công lại những người xung quanh mình. Vì vậy mà gần đây, rất nhiều đối tượng “ngáo đá” đã phạm tội, thậm chí phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như ở Ninh Thuận, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Hiện nay, “ma túy đá” được người ở độ tuổi dưới 30 sử dụng là chính. Trong đó, có các em học sinh cấp 2, cấp 3, sinh viên, trẻ em lang thang cơ nhỡ, gái mại dâm, gái vũ trường... thường hay sử dụng nhất. “Ma túy đá” còn được giới trẻ gọi là “thuốc điên”, “ma túy điên”. Trong các cuộc hội thảo với các nhà khoa học, nhiều bạn trẻ vẫn nhận thức rằng, “ma túy đá” không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm, không nghiện. Tuy nhiên, như các nhà khoa học, bác sỹ trong lĩnh vực tâm thần phân tích, sử dụng ma túy “đá” lâu ngày, luôn tạo ra tâm lý không ổn định, trầm cảm... thì đó chính là nghiện, chứ không phải là không nghiện.
Bốn “lá chắn thép” ngăn cơn “bão đá”
Vậy, những khó khăn hiện nay để phòng chống là gì?
“Ma túy đá” là mặt hàng mua bán, vận chuyển và sử dụng dễ dàng nên khó khăn cho cơ quan chức năng kiểm soát. Vận chuyển “ma túy đá” rất gọn nhẹ. Hơn nữa, 1kg “ma túy đá” hiện nay được tội phạm giao dịch trong nội địa khoảng trên dưới 1 tỉ đồng, đó là chưa kể khi bán lẻ, lượng tiền chênh lên cũng rất lớn, đã đánh vào lòng tham của các đối tượng. Trên thực tế, một số nhà hàng, vũ trường thường quảng cáo bình để sử dụng “xá xị”, đây là một dạng ma túy nhẹ, nhưng khi cần thiết thì các đối tượng sẵn sàng sử dụng “ma túy đá” vào bình đó.
Ngoài ra, “ma túy đá” chủ yếu sản xuất bằng chất hóa học. Trong khi đó, việc quản lý các tiền chất của chúng ta còn trôi nổi trên thị trường nhiều. Thuốc tân dược dùng để sản xuất “ma túy đá” cũng bán rất đại trà. C47 từng bắt một số vụ các đối tượng mua hàng lô thuốc tân dược về để tách tiền chất, sản xuất “ma túy đá” ngay tại Việt Nam. Sau khi cơ quan chức năng quyết liệt triệt phá, việc sản xuất lắng xuống, thì, chúng lại đẩy mạnh nhập “hàng” vào Việt Nam.
Làm gì để phòng ngừa tình trạng “ngáo đá” gia tăng?
Trước hết, chúng ta phải tuyên truyền tốt tác hại của “ma túy đá”. Thứ hai, các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, quản lý tốt thuốc tân dược, các thuốc chứa chất gây nghiện. Thứ ba, cần phối hợp tốt giữa xã hội, nhà trường và gia đình để quản lý các em, thấy bất minh về thời gian và chi tiêu thì cần có biện pháp kiểm soát, giáo dục phòng ngừa. Gần đây, sinh nhật của các cháu con nhà giàu thường có biểu hiện sử dụng “thuốc lắc”. Vì vậy, nên sinh nhật tại gia đình, không nên cho các em, các cháu tự do tổ chức tại nhà hàng, vũ trường. Thứ tư, cần kiểm soát chặt chẽ các sân bay, bến cảng, cửa khẩu để phát hiện kịp thời, không để ma túy xâm nhập vào Việt Nam. Phối hợp với cảnh sát các nước để đấu tranh, ngăn chặn từ xa. Thứ năm, tích cực đưa các em, các cháu vào cai nghiện cộng đồng hoặc cai nghiện bắt buộc.
Cuối cùng, cần quản lý chặt chẽ các nhà hàng, vũ trường. Xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy để răn đe.
Trân trọng cảm ơn Đại tá!