Theo thông tin trên VietNamNet, RT dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho hay, vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III sẽ được tiến hành trong ngày 1/11, tại Căn cứ lực lượng không gian Vandenberg ở khu vực miền nam bang California (Mỹ).
Trong cuộc họp báo được tổ chức vào chiều 31/10 (giờ địa phương) tại Lầu Năm Góc, ông Ryder nói: “Tôi cần lưu ý rằng tên lửa phóng từ hầm chứa sẽ được thử nghiệm mà không được gắn đầu đạn. Vụ phóng lần này nhằm phô diễn khả năng và độ tin cậy của hệ thống răn đe chiến lược của chúng ta, trong khi gửi đi thông điệp đảm bảo cam kết rõ ràng tới các đồng minh”.
Cuộc thử nghiệm này của quân đội Mỹ diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi Bộ Chỉ huy tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ (AFGSC) tiến hành phóng tên lửa Minuteman III từ cùng một căn cứ.
Tương tự lần trước, vụ phóng tên lửa Minuteman III lần này được miêu tả là “đã lên lịch trước và như thường lệ”. Tuy nhiên, VTC News dẫn thông tin trên RT cho biết, vụ phóng này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài, xung đột Israel - Hamas leo thang và quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi.
Được biết, Washington đã hủy hoặc trì hoãn ít nhất hai vụ thử ICBM vào năm ngoái, với lý do lo ngại về “những hiểu lầm” tiềm ẩn với Nga và Trung Quốc. Vụ phóng vào tháng 8/2022 bị hoãn vì nó có thể diễn ra cùng lúc với các lực lượng Trung Quốc đang tổ chức cuộc tập trận ngoài khơi Đài Loan.
Trước đó, Lầu Năm Góc hủy thử nghiệm tên lửa Minuteman III do lo ngại nguy cơ leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine vào thời điểm Nga đặt lực lượng hạt nhân ở tư thế sẵn sàng. Được đưa vào sử dụng từ những năm 1970, tên lửa Minuteman III đến nay vẫn là vũ khí chủ lực trên mặt đất trong bộ ba hạt nhân của Mỹ.
Trong diễn biến liên quan, ngày 25/10, Hội đồng liên bang Nga (tức Thượng viện) đã nhất trí thông qua dự luật hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).
CTBT cấm tất cả các vụ nổ hạt nhân bất kể mục đích và môi trường, mở rộng các giới hạn được đặt ra trong hiệp ước cấm thử nghiệm một phần trước đó. Khác với hiệp định tiền nhiệm năm 1963, hiệp định hiện tại chưa có hiệu lực vì một số quốc gia, trong đó có Mỹ, từ chối phê chuẩn.
Nga cũng vừa tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn nhằm thử nghiệm lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này. Theo đó, Điện Kremlin hôm 25/10 cho biết cuộc thử nghiệm có sự tham gia của cả ba thành phần của bộ ba hạt nhân, gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.
Cuộc tập trận bao gồm việc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars tối tân của Nga từ sân bay vũ trụ Plesetsk. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu tại bãi thử tên lửa Kura, trên bán đảo Kamchatka ở vùng viễn đông của Nga, cách bãi phóng hơn 5.700km.
Đinh Kim (T/h)