Đối với ngành giáo dục, một năm vừa qua có biết bao câu chuyện. Vui có, buồn có, nhưng nổi lên trong đó là sự cố gian lận điểm thi chấn động nhân tâm ở một số địa phương trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ít người biết rằng, một trong những người phát hiện ra sự bất thường trong kỳ thi này là thầy Vũ Khắc Ngọc - một thầy giáo dạy Toán online ở Hà Nội.
“Nếu là một giáo viên trường công, có lẽ tôi không đủ can đảm”
Sự việc này lớn đến nỗi chính thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cũng không thể tin nổi đó là sự thật. Theo thầy Ngọc, đây là một cú “phạt nặng” vào ngành giáo dục để cho mọi người tỉnh ra. “Mọi người hay nói rằng đây là bệnh của ngành giáo dục, nhưng thực sự chúng ta đang mắc nhiều hơn một căn bệnh. Hãy nhìn rộng ra, đây không chỉ là bệnh thành tích mà còn do yếu tố bên ngoài chi phối”, thầy Ngọc chia sẻ.
Thầy Ngọc chia sẻ: “Có thể là do chịu sức ép về tiền bạc, quyền lực..., cũng có thể những cán bộ kia không nhờ nhưng vẫn có sức ép vô hình khiến người ta sửa điểm. Hoặc là do quan hệ từ những người thân thiết”. Từ đó cho thấy không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội đang bị chi phối bởi 3 thứ: Tiền bạc, quyền lực và quan hệ. Có rất ít người có thể miễn nhiễm. Sai phạm thi cử trong năm 2018 về tính chất, quy mô là rất nghiêm trọng, kết quả thi ấy sẽ dùng để xét tuyển vào những trường đại học. Cái người ta mưu cầu là tư lợi cá nhân, thậm chí dùng từ nặng nề là tham nhũng. Chính vì thế mới đẩy cho các bạn này lên top đầu thủ khoa trên cả nước”, thầy giáo này nhận định.
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh trả lời báo chí về “bất thường” trong kết quả thi của tỉnh Hà Giang. |
Trở lại quãng thời gian tháng Bảy, sau kỳ thi THPT Quốc gia 2018 kết thúc, trước sự băn khoăn của PV báo ĐS&PL về việc tại sao một giáo viên dạy online lại có thể phát hiện ra những bất thường ở kỳ thi này, thầy Ngọc trả lời: “Nếu như tôi là một giáo viên dạy ở trường công, e rằng tôi lại phải chịu một sức ép nào đó mà không dám nói ra. Nhưng tôi là giáo viên dạy online, nên đối tượng học sinh rất đông, có thể nói vui là “tai mắt khắp nơi”. Năm nay đề thi rất khó, nên khi thi xong nhiều bạn học giỏi suy sụp. Đặc biệt hơn khi công bố điểm, chính các bạn ấy nhận ra điều lạ khi những người học cùng lớp với mình, có học lực kém nhưng điểm thi rất cao”.
“Sáng sớm 11/7, lướt qua vài trang báo có thông báo danh sách những bạn điểm cao nhất nước, tôi cũng tò mò quan tâm xem có phải học sinh của mình không, rồi vào facebook các bạn ấy. Có điều rất lạ xảy ra, bình thường nếu học sinh có điểm cao như vậy sẽ nhận được rất nhiều lời chúc mừng của thầy cô, bạn bè. Nhưng đây facebook các bạn ấy im lìm, thậm chí có những bình luận mang tính chất mỉa mai. Ngoài ra còn là chuyện bất bình. Ngay sau khi có điểm thi, nhiều giáo viên thể hiện sự phẫn nộ.
Họ rất sốc vì Hà Giang vốn là nơi vùng cao đặc biệt khó khăn, điểm thi đứng thấp nhất cả nước nhưng lần này điểm cao nổi trội. Đối chiếu lại với cả quá trình thầy với trò vật vã suốt cả vài năm mà điểm vẫn cách xa so với điểm của các bạn ở Hà Giang, từ đó tôi và 2 người bạn cũng là giáo viên nghĩ rằng cần phải lên tiếng để đòi lại công bằng cho các em học sinh”, thầy Ngọc cho hay.
Để rồi từ những nghi ngờ ấy, chiều 11/7, nhóm của thầy Ngọc bắt đầu thống kê về những bất thường ở Hà Giang. Sau đó một ngày, chiều 12/7, báo chí dẫn lại những thông tin thống kê ấy. Khi sự việc bắt đầu nhận được sự quan tâm của dư luận, thầy Ngọc cho biết đã gặp không ít những áp lực: “Bản thân chúng tôi cũng rất vô tư, đóng góp tiếng nói vào việc làm sáng tỏ những điểm bất thường trong điểm thi ở một số địa phương thôi. Có những người không tin kết quả đó, họ không tin hoặc không muốn tin. Họ phản ứng ngược với nhóm chúng tôi. Khi báo chí đưa tin, nhóm chúng tôi rất căng thẳng, hồi hộp vì không hiểu liệu mình có đưa việc này ra ánh sáng được hay không hay lại tiếp tục chìm xuồng như những câu chuyện tản mác khác trên mạng xã hội.
Bản thân chúng tôi vẫn liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa. Trong quá trình đấu tranh, bạn bè đồng nghiệp cũng khuyên việc nghiêm trọng như thế dừng đi, theo đuổi làm gì vì cũng chả đi đến đâu. Họ nói người ta cũng chẳng xử lý sự việc đấy đâu mà lại đi xử lý mình. Những áp lực như thế khiến chúng tôi và người thân cũng lo lắng khôn nguôi”.
Cần xây dựng môi trường tốt hơn để thu hút nhân tài
Năm 2018, ngành giáo dục cũng đạt được thành tích đáng khích lệ, đó là các đội tuyển học sinh, sinh viên tham dự các kỳ thi quốc tế xếp thứ hạng khá cao. Nhưng cũng từ đó, nhiều người lại đặt ra câu chuyện “gà nòi”, chảy máu chất xám, thu hút nhân tài...
Bàn về việc này, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng mọi người gọi những bạn đạt giải ở các kỳ thi quốc tế là “gà nòi” là không đúng: “Những người đạt giải này chỉ là số ít, không phải là số đông. Nhiều người không hiểu về tính chất của các kỳ thi này. “Gà nòi” không thể thi các kỳ thi quốc tế được. Nếu chỉ đi luyện rồi đi thi và được giải thì Việt Nam có rất nhiều bạn đạt được, chứ không phải có một số ít như vậy. Các kỳ thi uy tín của quốc tế không có chỗ cho thứ gọi là “gà nòi”, mà phải là những người giỏi thật sự”.
Theo thầy Ngọc, cái để chúng ta băn khoăn là việc xây dựng môi trường để thu hút những người giỏi về làm việc: “Vấn đề là chúng ta phát hiện nhân tài nhưng chưa sử dụng được nhân tài. Đó không chỉ là câu chuyện của Việt Nam mà còn là của nhiều nước trên thế giới. Nhiều người nói rằng số HCV Quốc tế môn Toán của chúng ta nhiều thế mà sao không có những phát minh trong khoa học. Thực ra để có được thành tựu về khoa học thì không thể lấy kết quả thi ra để kỳ vọng. Để cho ra một sáng tạo công nghệ thì cần cả một hạ tầng, nền khoa học đằng sau. Hiện nay, không chỉ chúng ta mà rất nhiều nước cũng không có điều ấy. Trên thế giới, chỉ có một số trung tâm khoa học lớn, và thường thì những nhà phát minh ở các nước sẽ đổ về đó”.
Cũng theo thầy giáo này, hiện nay thế giới đang là thế giới phẳng, khoảng cách không còn là vấn đề lớn. Hơn nữa, chúng ta cũng đừng coi việc những người giỏi sang nước ngoài học tập và làm việc là chảy máu chất xám: “Ngày xưa bố mẹ mình sang Nga làm việc thì là biệt tích, nhưng bây giờ gọi điện thoại nhìn hình ảnh, kết nối không giới hạn. Người ta hay nói công dân toàn cầu, bạn tôi có người làm việc ở Singapor nhưng cuối tuần là về Việt Nam. Mấu chốt nằm ở chỗ nhu cầu của chúng ta là gì, của họ là gì? Ví dụ như công trình “Biểu đồ cơ bản” của ông Ngô Bảo Châu có làm ra ở Việt Nam thì chắc chắn lại xếp trong tủ, không ai quan tâm, nhưng ở Mỹ, Pháp thì lại ứng dụng được nó. Việt Nam là một trong những nước nhận kiều hối lớn nhất ở thế giới, những bạn ấy làm chuyên gia ở nước ngoài, gửi tiền về cho gia đình, hay về nước đầu tư kinh doanh thì đó cũng là cách để cống hiến cho đất nước”.
Thầy Vũ Khắc Ngọc tin tưởng rằng với sự thay đổi của bộ GD&ĐT ở kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sắp tới thì sẽ không còn những câu chuyện đau lòng như vậy xảy ra. Hy vọng những điểm sáng của ngành giáo dục sẽ tiếp tục được phát huy.