“Tôi mất đi hai con, giờ công an nói không khởi tố vụ án thì tôi biết bấu víu vào đâu để đòi lại công lý đây” - người mẹ mất 2 con trong vụ tai nạn nói trong nước mắt.
Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, thương xót trước vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 13/2 vừa qua trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương khiến hai bé Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 2007), Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 2015) tử vong.
Gần 9 tháng sau khi vụ tai nạn xảy ra cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An đã có kết luận điều tra thông tin về vụ việc này. Tuy nhiên, kết luận điều tra và quyết định không khởi tố vụ án của Công an thị xã Dĩ An và Viện KSND thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ gia đình nạn nhân.
Chị Lê Thị Kim Chung (30 tuổi, mẹ của 2 bé tử vong) nói trong nước mắt: “Nhiều lần tôi nghĩ hay lao ra đường chết cho xong. Cuộc đời này lắm bất công quá...”.
Chị chia sẻ: “Tôi mất đi hai con, giờ công an nói không khởi tố vụ án thì tôi biết bấu víu vào đâu để đòi lại công lý đây”.
Theo lời người phụ nữ này, kể từ khi xảy ra vụ tai nạn, hai vợ chồng chị đến nhiều nơi để lên tiếng, mong các cấp chính quyền xem xét giải quyết vụ án đòi lại công bằng cho các con. Tuy nhiên, sau những lần đó, chị Chung và gia đình chỉ nhận được sự im lặng và những cái lắc đầu.
Bức xúc về quyết định cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, anh Nguyễn Văn Phú (bố 2 cháu nhỏ), nói: "Tôi không hiểu sao lại không khởi tố khi cả hai đứa con tôi đã chết, vợ tôi cũng bị thương tật đến 53%. Tài xế đã không có giấy phép lái xe mà được chạy gây tai nạn, chẳng lẽ như vậy là không phạm luật hay sao".
Không khởi tố vụ án vì… xe mất phanh
Theo kết luận của cơ quan Công an thị xã Dĩ An, vụ tai nạn giao thông trên gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm 2 người chết, 2 người bị thương nặng, thiệt hại nhiều tài sản. Thời điểm vụ tai nạn xảy ra, tài xế Nguyễn Thái Dương điều khiển ô tô khách 51B-176.41 với tốc độ 55-61 km/giờ, dưới tốc độ tối đa cho phép đối với đường ngoài khu dân cư, trên làn đường ô tô theo đúng quy định, không sử dụng chất kích thích khi lái xe.
“Tài xế Dương biết điều khiển xe khách loại 29 chỗ nhưng chỉ có giấy phép lái xe hạng B2, không phù hợp để điều khiển ô tô khách loại 29 chỗ, đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ quy định”, kết luận của Công an thị xã Dĩ An nêu rõ.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 cháu nhỏ tử vong - Ảnh: Infonet |
Cũng theo kết luận của Công an thị xã Dĩ An, hệ thống phanh của xe khách trước và sau vụ tai nạn không đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định...
Từ cơ sở trên, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An đã ra văn bản kết luận: Xét thấy hành vi điều khiển ô tô khách biển số 51B-176.41 gây tai nạn của tài xế Nguyễn Thái Dương là do sự cố an toàn kỹ thuật mất phanh (yếu tố khách quan). Việc tài xế Dương không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn nên không đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Về phần chủ phương tiện gây tai nạn, ông Trần Thanh Giống (32 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), Công an thị xã Dĩ An xác định, ông Giống kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách không có giấy phép kinh doanh theo quy định.
Vì vậy, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và kết thúc việc điều tra liên quan đến vụ tai nạn giao thông nói trên.
"Không khởi tố vụ án là trái luật"
Theo báo Tuổi trẻ, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, dấu hiệu hình sự và căn cứ khởi tố vụ án vụ tai nạn giao thông làm chết hai chị em ở Bình Dương, theo tôi là khá rõ, cơ quan chức năng không khởi tố vụ án là không khách quan và trái luật.
Đó là chưa kể vụ tai nạn xảy ra từ tháng 2, nhưng đến tháng 11 cơ quan điều tra mới kết luận là quá chậm so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Về nội dung kết luận, lý do mà cơ quan điều tra cho rằng hành vi gây tai nạn của tài xế do "mất phanh" là yếu tố khách quan nên không cấu thành tội phạm. Đó là một lập luận không có cơ sở pháp lý, trái với khoa học luật hình sự.
Trong vụ án này, với hệ thống lỗi như ôtô không có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, hệ thống phanh chính không đảm bảo an toàn, tài xế không có giấy phép lái xe phù hợp thì có thể coi trở thành nguy cơ gây hậu quả nguy hại cho xã hội.
Đây là nguy cơ buộc chủ xe và tài xế phải nhận thức được, cho dù nhìn thấy (lỗi vô ý vì quá tự tin) hay không nhìn thấy (lỗi vô ý do cẩu thả) cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả.
Theo tôi, nguyên nhân "mất phanh" không phải là "yếu tố khách quan" như cơ quan điều tra kết luận, mà là hệ quả của nhiều yếu tố khác.
Để bộ phận phanh không đảm bảo (như kết luận), tức là tài xế không đủ kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật nhằm xác định độ an toàn của loại xe mà mình không có giấy phép điều khiển. Như vậy là hoàn toàn có mối quan hệ nhân quả với một hệ thống lỗi của tài xế và chủ xe.
Từ đó có thể nhận định hành vi của tài xế cấu thành tội "vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ" quy định tại điều 202 BLHS.
Hành vi của chủ xe có dấu hiệu của tội "đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn" (điều 204 BLHS) và tội "điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ".
Trao đổi trên Vietnamnet vào chiều 23/11, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho hay, đây là vụ tai nạn thương tâm, gây nhiều bức xúc, thu hút sự chú ý của dư luận nên rất cần lãnh đạo Công an tỉnh có hướng giải quyết nhanh. "Ngay trong hôm nay, chúng tôi đã yêu cầu Công an thị xã Dĩ An chuyển giao hồ sơ cho công an tỉnh. Thời điểm này chưa thể trả lời được gì về vụ việc. Sau khi có kết quả thẩm định, Công an tỉnh Bình Dương sẽ thông tin cho các cơ quan báo chí” - đại tá Chính khẳng định. Trong diễn biến liên quan, ông Võ Văn Rơi, Viện trưởng VKSND thị xã Dĩ An (Bình Dương) cũng cho biết, vừa chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên cơ quan cấp trên (VKSND tỉnh Bình Dương) để xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này. |
Cự Giải (T/h)