(ĐSPL) - Đã gần 30 năm nay, mỗi lần nhớ con, bà lại lục tìm chiếc áo trắng hải quân sờn rách, là kỷ vật cuối cùng của con trai bà - liệt sĩ Trương Quốc Hùng. Anh hy sinh khi tuổi tròn 20 trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) Việt
Ngày tiễn con đi
Trong cái nắng oi ả trưa tháng Tám miền Trung, được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Đỗ Xuân Mạnh (Chủ tịch hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Bắc), chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của bà Hồ Thị Lai (80 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) để cùng bà chia sẻ nỗi đau và niềm tự hào về con trai bà, anh hùng liệt sĩ Trương Quốc Hùng.
Ở cái tuổi bát thập, tuổi già cộng thêm phần đau khổ mất mát người con khiến bà trông tiều tụy đi rất nhiều. Tuy vậy, trí tuệ bà vẫn còn minh mẫn khi kể cho chúng tôi về anh Hùng. Giọng bà trầm ấm xen lẫn những uất nghẹn về đau thương nhưng tận sâu trong tâm can bà là niềm tự hào, bà tự hào về đứa con tuổi 20 của mình.
Bà Hồ Thị Lai nghẹn ngào chia sẻ cùng PV. Ảnh: Nhâm Thân. |
“Ngày đó, nhà bà nghèo lắm cháu ơi! Hùng là con thứ 2 trong 4 đứa nên cũng sớm vất vả cùng bà ruộng vườn. Cả gia đình bà phải ở chung với ông bà ngoại đã già yếu nên càng khó khăn. Nó (tức liệt sĩ Hùng) tốt tính lắm, nhiều lần bữa cơm chỉ với củ khoai, miếng sắn, nhìn ông bà ngoại nuốt không trôi, Hùng lật đật chạy ra mấy cái ao quanh xóm bắt vài con tép, con cá về làm mắm cho ông bà”, bà Lai nhớ lại những ký ức xưa.
Lớn lên, vì hoàn cảnh khó khăn, anh Hùng dời quê vào Sài Gòn làm thuê. Theo lời bà Lai, những bữa đầu, anh phải đi rửa chén thuê cho người ta để mong có tiền đi học nghề.
Không lâu sau đó, nghe tin ở nhà đang có vận động nhập ngũ, anh liền trở về.
“Nó mê đi bộ đội lắm, nhất là đi hải quân. Nhập ngũ rồi nó vào đoàn công binh hải quân E83 đóng ở bên Sơn Trà cách nhà không xa lắm. Nhưng hồi đó, cầu cống chưa có, muốn đi từ đơn vị về nhà phải đi đò băng qua sông Hàn. Vất vả là vậy mà cứ được nghỉ là Hùng là vượt sông về thăm bà”, bà Lai chia sẻ.
Nhập ngũ được gần 2 năm thì đơn vị được lệnh chuyển quân vào Cam Ranh (Khánh Hòa) chuẩn bị thẳng tiến ra Trường Sa. “Đó là vào dịp Tết! Cái Tết cuối cùng mà má con bà được nhìn thấy nhau. Nó nói: “Má ơi! Đơn vị con sẽ đi đảo, ra Trường Sa má ạ. Con háo hức lắm!”.
Tết xong, nó vào Cam Ranh thì gặp được thằng Sơn (một chiến sĩ hải quân cùng quê với anh Hùng). Hai anh em nó kể chuyện, tâm sự với nhau rồi trước ngày chuẩn bị đi, nó lại biên thư về cho bà: “Má ơi! Anh Sơn kể cho con nhiều chuyện rằng ra đảo không phải vui tươi, không đẹp thế đâu. Ra đảo để chiến đấu, xây dựng chủ quyền sẽ gặp vô vàn hiểm nguy má ạ. Con biết sẽ hy sinh nhưng con vẫn đi nghe má”, bà Lai kể lại.
Ngày nhận được thư, bà Lai buồn bã, đứng ngồi không yên, dường như linh tính máu mủ, linh tính của người mẹ thương con đã dự cảm cho bà điều chẳng lành. Sáng hôm ấy (tức sáng 14/3/1988), lúc anh Hùng cùng đồng đội hiên ngang chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương thì ở nhà, bà Lai đứng ngồi không yên: “5h sáng tôi đã dậy rồi. Linh tính mách chuyện không hay khiến tôi òa khóc nức nở. Đến trưa, trong cơn mộng mị tôi lại thấy nó ướt sũng đứng ở góc như để báo tin cho tôi”, nói đến đây bà òa khóc.
Ngày nhận được tin anh trai hy sinh, anh Trương Quốc Cường (em trai liệt sĩ Hùng) giấu bà Lai trốn ra bụi chuối sau nhà ngồi khóc nức nở. Còn bà Lai khi hay tin dữ đã ngất lịm, người nhà phải đưa đi cấp cứu.
Tàu HQ - 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. |
Sau ngày anh Hùng hy sinh, đơn vị cùng chính quyền địa phương luôn lui tới thăm hỏi, động viên bà vượt qua khó khăn. “Các chú ấy cứ động viên bà rằng: “Cố lên má. Biết đâu Hùng chỉ bị lạc vào đảo, có ngày sẽ tìm được đường về. Vừa nói mà các chú vừa gạt nước mắt”, bà Lai xúc động.
Tượng đài bà mẹ
Bấy giờ, ở Hòa Cường (nay là phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) có nhiều chiến sĩ cùng thời với anh Hùng tham gia chiến đấu. Nhiều người may mắn trở về quê hương, còn 7 người con đất Hòa Cường đã mãi mãi nằm lại biển sâu.
Họ là liệt sĩ Phan Văn Sự, liệt sĩ Trần Tài, liệt sĩ Lê Văn Tâm, liệt sĩ Phạm Văn Lợi, liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc và con trai bà Lai, liệt sĩ Trương Quốc Hùng.
Trong suốt mấy ngày thu thập tài liệu cho bài viết, một câu chuyện tình cờ nghe được từ các vị cao niên Hòa Cường thật khiến chúng tôi xúc động bởi những nghĩa cử cao đẹp của những người mẹ liệt sĩ Gạc Ma nơi đây.
Khi ấy, đơn vị hải quân phát giấy chứng tử kèm một số tiền tử trận cho gia đình 7 liệt sĩ trên, thì bà Hồ Thị Lai nhất quyết không nhận mà chỉ òa khóc.
Bà nói: “Bà muốn để số tiền này lại đây, góp chút ít cùng đơn vị, cùng Nhà nước xây lên một tượng đài tưởng niệm cho con trai bà cùng các thanh niên Hòa Cường đã hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng đơn vị và chính quyền không cho, họ khuyên bà cứ nhận tiền còn mọi việc sẽ được Nhà nước lo, sẽ không ai quên ơn các anh được”.
Chính sách chăm lo cho những gia đình hy sinh cho biển đảo
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Bắc cho biết: “Tự hào khi mảnh đất nhỏ Hòa Cường đời đời luôn có những người con ưu tú. Hiện tại, chúng tôi luôn có những phong trào đền ơn đáp nghĩa, không chỉ quan tâm đến các cựu chiến binh mà các bà mẹ liệt sĩ, gia đình họ cũng được địa phương hỗ trợ. Bên cạnh đó, là giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu, biết và tự hào về sự hy sinh của cha ông mình cho Tổ quốc, cho biển đảo quê hương Việt
NHÂM THÂN
Xem thêm video:
[mecloud]aSGYBqEr9w[/mecloud]