+Aa-
    Zalo

    Người mẹ bật khóc vì không có tiền cho con nhập học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gồng gánh nuôi con bằng đồng lương ít ỏi và tiền trợ cấp xã hội… nhưng chị Nguyễn Thị Phương (Hà Nội) lại lực bất tòng tâm trước số tiền quá lớn khi con gái nhận giấy báo đỗ đại học.

    Người mẹ đơn thân nuôi con từ tiền trợ cấp xã hội

    Chúng tôi tìm về nhà chị Nguyễn Thị Phương ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (Hà Nội) khi trời đã nhá nhem tối. Sâu hun hút phía sau cánh đồng là ngôi nhà nhỏ có hai đứa trẻ, đứa lớn lớp 7, đứa nhỏ 5 tuổi đang chờ mẹ đi làm về, chờ chị cả đi học về. Chờ khoảng chừng 15 phút, chị Phương đạp chiếc xe đạp cũ cũng là phần thưởng mà cô con gái lớn của chị từng được thưởng, trở về sau một ngày làm việc.

    Trong ngôi nhà 3 gian lọt thỏm phía sau đồng, không có gì đáng giá, chị Phương kể về cuộc đời đầy cơ cực của mình. Những đứa con lần lượt ra đời trong cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Đứa con gái lớn của chị năm nay 18 tuổi, cũng là từng ấy năm đôi vai gầy của người phụ nữ phải gồng gánh lo cho các con có miếng cơm, manh áo. Để cho các con được đến trường, người phụ nữ này làm đủ thứ việc, ai thuê gì làm nấy, chính vì vậy trông chị già hơn tuổi 46 của mình rất nhiều.

    31132046256851092481951984662848772606441173n
     Ngôi nhà lụp xụp phía sau cánh đồng của gia đình chị Nguyễn Thị Phương (Ảnh: NVCC)

    Chị Phương kể, cuộc đời chị chẳng có gì vui hơn khi mỗi ngày đều được nhìn thấy các con lớn khôn, ngoan ngoãn và học hành giỏi giang. Thế nhưng, các con đang ở tuổi ăn tuổi lớn, 3 đứa đều đi học, một mình chị gồng gánh không nổi. Nhờ vào số tiền trợ cấp xã hội khoảng 750.000 đồng/tháng, tiền làm công khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng của chị cũng như sự phụ giúp của đứa con gái lớn, các con của chị lớn dần lên, được đi học như bao đứa trẻ khác. May mắn, đứa nào cũng ngoan ngoãn, học giỏi và đỡ đần mẹ việc nhà.

    Đồng hồ điểm 7 giờ tối cũng là lúc đứa con gái lớn của chị, em Nguyễn Thị Thanh Xuân Bắc vừa từ bến xe buýt trở về nhà sau một ngày đi học. Đây cũng là đứa con mà chị Phương luôn tự hào. Không chỉ là một “mọt sách” chính hiệu, Bắc còn rất mạnh mẽ và tự lập. Hiểu hoàn cảnh gia đình, ngay từ khi vào lớp 10, sau giờ học ở trường em rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ tới chỗ làm thêm cách nhà 10km để đỡ đần chi phí sinh hoạt cho mẹ. 24 tiếng một ngày có lẽ không bao giờ là đủ với cô bé có ngoại hình nhỏ nhắn này. Ngày đi học, tối đi làm thêm nhưng nhiều năm liền Bắc đạt danh hiệu học sinh giỏi, tham gia vào đội tuyển HSG của trường và nhận được rất nhiều phần thưởng.

    Bật khóc vì không có tiền cho con nhập học

    Với lực học luôn nằm trong nhóm đầu của khối, ở kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, Bắc thi đậu ngành ngôn ngữ tiếng Trung của Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ. Thế nhưng với số tiền phải đóng khi nhập học quá nhiều, người mẹ trẻ chỉ biết bất lực, bởi dưới Bắc, vẫn còn hai đứa em cũng đang cần phải tới trường.

    “Tôi tự trách mình, sinh con ra nhưng không lo được cho con đầy đủ như các bạn. Cháu ngoan ngoãn, học giỏi, thương mẹ. Làm cha làm mẹ ai cũng muốn con được học hành tử tế để không còn cái đói, cái nghèo đeo bám. Nhưng số tiền thông báo trong giấy nhập học khiến tôi lực bất tòng tâm. Con bé dù không nói nằng gì nhưng tôi biết cháu rất buồn vì không thể tiếp tục ước mơ của mình”, chị Nguyễn Thị Phương trực trào nước mắt khi nói về nỗi bất lực trước tương lai của đứa con gái lớn.

    3110194526709157709476783689430467433153439n
    Em Nguyễn Thị Thanh Xuân Bắc tranh thủ ôn bài trước khi bước vào ca làm thêm (Ảnh: NVCC)

    Thế nhưng, may mắn sau đó Bắc nhận được giấy báo nhập học của một trường Cao đẳng. Ban đầu, em cũng lưỡng lự, muốn đi làm giúp mẹ. Biết được hoàn cảnh gia đình cũng như thương cô bé hiếu học, mỗi người giúp đỡ một ít, chị Phương cũng chạy vạy chỗ này chỗ kia để con gái có tiền nhập học. Bắc chọn theo ngành hướng dẫn viên du lịch với hi vọng, khi đi học, ngoài giờ làm thêm có thể chạy tour để giảm bớt gánh nặng chi phí. Không có đủ điều kiện để thuê trọ như các bạn khác, ngày ngày Bắc đến trường bằng xe buýt. Quãng đường từ nhà đến trường dài 30km, nối hai chuyến xe để đến trường, mệt mỏi, vất vả là vậy nhưng không thể làm vơi bớt ý chí và nghị lực của cô sinh viên nghèo.

    “Em không ngại khó, không ngại khổ. Em sẽ cố gắng vừa học vừa làm để có thể trang trải chi phí học tập và giúp mẹ chăm lo cho hai đứa em nhỏ. Em hi vọng, khi ra trường sẽ có một công việc tốt và hi vọng hai em của em sẽ có một tương lai đẹp hơn mang tên giảng đường đại học”, Xuân Bắc chia sẻ.

    Câu chuyện của gia đình chị Phương và em Xuân Bắc không hiếm gặp trong mỗi kỳ tuyển sinh đại học. Nhưng nhìn ngôi nhà xiêu vẹo được chống đỡ bởi người phụ nữ gầy yếu ấy ai cũng không kìm được nước mắt. Mong một tương lai tươi sáng sẽ đến với gia đình chị và những đứa trẻ.

    Hương Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-me-bat-khoc-vi-khong-co-tien-cho-con-nhap-hoc-a554223.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nam sinh mất phương hướng sau 3 lần gap year

    Nam sinh mất phương hướng sau 3 lần gap year

    Không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của gap year, nhất là với những người trẻ. Chính vì thế những sinh viên chọn tạm dừng 1 năm khó tránh khỏi việc đánh mất định hướng của bản thân.