Thông tin từ báo Lao Động, một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể hỗ trợ quản lý lượng đường trong máu. Tuy nhiên, vì trái cây cũng chứa đường và carbohydrate tự nhiên nên việc tìm ra khẩu phần phù hợp là rất quan trọng.
Theo Medical News Today, dưa hấu, đây là loại quả giàu vitamin A và C, ngoài ra còn có nhiều chất chống oxy hóa. Một hợp chất chống oxy hóa đặc biệt có nhiều trong dưa hấu là lycopene, được nghiên cứu cho thấy có đặc tính chống ung thư và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Dưa hấu cũng tốt cho đường ruột, chức năng thận. Theo nhiều nghiên cứu, dưa hấu cũng có thể hỗ trợ giảm cân, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ác tính liên quan tới vú, dạ dày, ruột kết và phổi.
Dưa hấu có chỉ số đường huyết (GI) là khoảng 72. Bất kỳ mặt hàng thực phẩm nào có GI từ 70 trở lên đều được xếp vào hàng cao.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Đánh bại Bệnh tiểu đường, do tỷ lệ nước trong dưa hấu cao (khoảng 92% là nước) nên dưa hấu có lượng đường huyết thấp là 5.
Điều này cho thấy rằng tiêu thụ dưa hấu ở dạng nguyên bản mà không chế biến thành nước ép hay sinh tố là một đề xuất an toàn và ngon miệng cho bệnh nhân tiểu đường.
Nói một cách đơn giản, bệnh tiểu đường là một tình trạng đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao. Như chúng ta đã biết, một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường là sự giải phóng insulin bị cản trở bởi các tế bào beta trong tuyến tụy.
Những tế bào này chịu trách nhiệm tiết ra hormone insulin, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Nếu bạn không kiểm soát lượng đường trong máu, về lâu về dài, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như tổn thương mắt, các vấn đề về tim, bệnh thận và bệnh thần kinh,...
Vì thế, việc kiểm soát khẩu phần dưa hấu nạp vào cơ thể là một điều quan trọng. Có nhiều nghiên cứu về dưa hấu và bệnh tiểu đường cho thấy rằng nếu tiêu thụ dưa hấu ở mức vừa phải thì có thể làm giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Cần luôn nhớ rằng việc ăn quá nhiều và thường xuyên dưa hấu có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến và làm mất tác dụng tích cực của loại quả này.
Người mắc bệnh tiểu đường chỉ nên tiêu thụ khoảng 100-150 gram dưa hấu trong 2-3 ngày một tuần thì dưa hấu có thể có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Những người mắc bệnh tiểu đường có thể kết hợp dưa hấu với các loại thực phẩm giàu chất béo lành mạnh, chất xơ và protein, chẳng hạn như các loại hạt. Sự kết hợp các chất dinh dưỡng này có thể giúp một người cảm thấy no lâu hơn và làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu.
Điều này có thể hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, những người phải sử dụng chế độ ăn uống để kiểm soát lượng đường trong máu.
Tổ chức Đánh bại Bệnh tiểu đường khuyến nghị những người mắc bệnh tiểu đường tránh uống nước ép dưa hấu vì nó có thể có lượng đường huyết cao hơn so với dưa hấu nguyên bản.
Để đảm bảo sức khỏe mùa nắng nóng, người mắc bệnh tiểu đường nên lưu ý:
- Hạn chế ăn các loại hoa quả có chỉ số đường huyết cao như nhãn, vải, mít, sầu riêng, dưa hấu… có thể ăn các loại táo, bơ, ổi, bưởi, đào, lê, mận, dâu tây…
- Uống đủ nước, tránh các loại nước ép, nước ngọt, đồ uống có đường có thể gây tăng đường huyết.
- Ăn nhiều chất xơ (chất xơ có khả năng làm chậm quá trình giải phóng đường vào máu, ngăn ngừa sự tăng vọt của đường huyết trong cơ thể).
- Kiểm tra mắt thường xuyên: Để tránh bị các bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến vào mùa hè như viêm kết mạc hoặc nhiễm trùng mắt.
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết mao mạch.
- Với người bệnh sử dụng thuốc tiêm insulin cần bảo quản tốt thuốc và tránh nắng, bởi thời tiết nắng nóng dễ làm hỏng thuốc hay máy đo đường huyết, thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM.