Anh Ngô Văn Khanh (sinh năm 1998, trú tại khu 5, Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết trên báo Nhân dân, vào 10h sáng 9/9, anh đang ở trong nhà thì thấy mọi người hô to: "Cầu sập rồi!".
Ngay lập tức, anh chạy ra ngoài, nhìn về phía thượng nguồn. Lúc này, cây cầu có tuổi đời 29 năm đã bị sập toàn bộ 2 nhịp giữa.
Nhìn ra dòng nước đang cuồn cuộn chảy, anh Khanh thấy rất nhiều cây gỗ lớn, rác bị cuốn đi. Chừng 7 phút, nam thanh niên tiếp tục nhìn thấy anh Phan Trường Sơn (trú huyện Tam Nông) đang cố gắng bám chặt lấy thân cây đang chới với giữa dòng.
Mọi thứ diễn ra vô cùng nhanh. Nạn nhân liên tục kêu cứu. Lúc này, anh Khanh không nghĩ được nhiều, chỉ biết chạy ra con đò của gia đình rồi điều khiển phương tiện nhanh nhất để cố gắng tiếp cận.
Anh Ngô Văn Khanh kể trên Dân Việt, do lũ lớn, tốc độ dòng chảy nhanh, con đò đã rất khó khăn mới tới gần được nạn nhân. Khoảng cách từ bờ ra đến vị trí cứu hộ chừng 4-500m. Anh Thanh đưa thuyền ra giữa dòng để chờ nạn nhân trôi tới.
Chỉ ít phút sau, nạn nhân đã được đưa lên thuyền trong trạng thái vô cùng hoảng loạn, người có nhiều vết thương nghiêm trọng, nhất là ở chân.
Khi đưa tới bờ, anh Phan Trường Sơn vẫn rất run, không nói được, không nhớ được gì. Phải mất khoảng 10 phút, nạn nhân mới đọc được điện thoại người nhà để tôi thông báo
“Trong đầu tôi duy nhất chỉ có ý muốn nhanh nhất đưa được nạn nhân lên bờ”, người hùng 26 tuổi cho biết thêm trên Dân Việt.
Trước đó, vào 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ, bị sập. Thống kê sơ bộ, sự cố khiến 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người rơi xuống sông.
Cầu Phong Châu là cây cầu nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.
Cầu Phong Châu được khánh thành đưa vào sử dụng năm 1995, gồm 8 nhịp. Trong đó có 4 nhịp giản đơn dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, 3 nhịp dàn thép và 1 nhịp giản đơn dầm bằng bê tông cốt thép thường.
Lực lượng chức năng của địa phương đang tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân.