+Aa-
    Zalo

    Người đứng đầu Đảng trong tình cảm sâu nặng của quê nhà

    • Mạnh Quốc - Hữu ThắngDSPL

    (ĐS&PL) - Trong những lần về thăm quê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bao giờ "trống giong, cờ mở" mà luôn chọn cách xuất hiện bình thường nhất.

    Làng Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Tp.Hà Nội) trong những ngày này không gian dường như vắng lặng, u buồn hơn. Một người con ưu tú, kiệt xuất của quê hương vừa trở về với tổ tiên.

    Dẫu biết là quy luật của tạo hóa và ngày buồn như hôm nay sẽ đến, nhưng sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn để lại trong lòng mọi người dân Việt Nam và nhân dân quê nhà nhiều nuối tiếc, buồn thương.

    Để đón bác về thăm trong lần cuối này, rất nhiều người dân trong làng và các lực lượng chức năng đang tập trung làm tốt các công việc chuẩn bị để lo hậu sự. Mọi người không ai bảo ai, tất cả đều cố gắng làm tốt nhất công việc của mình.

    Trong sự tưởng nhớ của mọi người dân quê, hình ảnh, ký ức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đầy ắp tại nơi ông đã sinh ra và trưởng thành.

    Tổng Bí thư luôn chọn cách xuất hiện bình thường nhất

    Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Phú Hoành (Cháu họ gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bác) cho biết, trước khi Tổng Bí thư ra đi vài ngày, ông Hoành và một số đại diện của con cháu nội ngoại hai bên đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để thăm hỏi Tổng Bí thư. Dù biết sức khỏe Tổng Bí thư rất yếu và đã có linh cảm từ trước, nhưng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ giã cõi đời, ông Hoành và bà con họ tộc vẫn cảm thấy bàng hoàng, xúc động.

    Ngôi nhà giản dị, khiêm nhường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm gần cổng làng Lại Đà.

    Ngôi nhà giản dị, khiêm nhường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm gần cổng làng Lại Đà.

    "Trước đây, khi có thời gian, bác vẫn thường xuyên về thăm quê. Trong một số dịp lễ trọng của làng như Tết trồng cây, lễ mừng thọ các cụ cao niên, giỗ họ, chúng tôi vẫn có lời mời bác về dự. Về sau do bận việc nước và lý do sức khỏe, bác ít về hơn", ông Hoành cho biết.

    Nhớ về người bác trong dòng họ, ông Hoành cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người rất tình cảm, bình dị, trong những lần về thăm quê, ông không bao giờ "trống giong, cờ mở" mà luôn chọn cách xuất hiện bình thường nhất.

    Tổng Bí thư thường yêu cầu đỗ xe ở bãi đất trống đầu làng và tự mình đi bộ vào, ông cũng đề nghị các đồng chí cảnh vệ giãn ra để vừa đi vừa thoải mái chuyện trò, gặp gỡ, thăm hỏi dân làng.

    Ông Nguyễn Phú Hoành ngậm ngùi nhớ về người bác thân thiết trong họ tộc.

    Ông Nguyễn Phú Hoành ngậm ngùi nhớ về người bác thân thiết trong họ tộc.

    "Bác là một người sống đức độ, cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì nước, vì dân. Ở tuổi 80, lẽ ra bác phải được nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhưng bác vẫn tận tâm, tận lực lo cho đất nước.

    Là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, nhưng khi về quê, bác vẫn hòa vào với bà con, không có sự phân biệt, khoảng cách giữa bác với dân làng. Bác gái và các con của hai bác cũng đều giữ lối sống gần gũi như vậy", ông Hoành xúc động nói.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường căn dặn anh em họ tộc, bà con làng xóm phải đoàn kết, có ý chí vươn lên, để cùng nhau xây dựng quê hương.

    "Tôi còn nhớ năm 2005, bấy giờ bác đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Khi đó, đường làng còn chưa đổ bê tông, vẫn là đường đất đỏ, tôi là Trưởng thôn ngỏ ý với bác có ý kiến với các cấp chính quyền quan tâm để đầu tư xây dựng đường mới. Nhưng bác bảo: Thôi, chịu khó sửa sang lại mà đi, ở trên miền núi, đồng bào còn đói khổ, mình được như thế này là sướng hơn nhiều rồi.

    Bác không tư lợi gì cho bản thân, gia đình và cũng không tư lợi gì cho làng xóm của riêng mình. Từ đó, chúng tôi càng hiểu sự khiêm tốn, giản dị của bác và động viên dân làng đoàn kết, nỗ lực, cố gắng để xây dựng quê hương giàu mạnh", ông Hoành kể lại.

    Một người ham mê công việc

    Trao đổi với một người cháu họ khác có cơ hội nhiều năm sống gần gũi với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị này cho biết Tổng Bí thư là người sống hơn cả giản dị và ham mê với công việc.

    "Ông sống rất bình thường và giản dị, như bao nhiêu người khác. Ăn uống cũng đạm bạc, đơn giản, không cầu kỳ. Ông thường dậy sớm, ăn sáng ở nhà rồi mới đi làm. Cuối ngày về nhà, sau khi ăn uống và nghỉ ngơi một chút, ông lại tiếp tục làm việc cho đến đêm muộn mới đi ngủ", người cháu này kể.

    Ngoài công việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực trong gia đình, yêu thương, tôn trọng bác gái, quan tâm, chăm sóc và răn dạy con cháu. Theo tấm gương của ông, gia đình cũng có lối sống hết sức giản dị và chân thành.

    Hình ảnh ngày 27 Tết năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng (Tết năm nào gia đình Tổng Bí thư cũng gói bánh chưng). Bức ảnh được giới thiệu trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    Hình ảnh ngày 27 Tết năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng (Tết năm nào gia đình Tổng Bí thư cũng gói bánh chưng). Bức ảnh được giới thiệu trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    Ông Ngô Thiện Thắng (Làng Lại Đà, xã Đông Hội) – người từng có thời gian lái xe cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong gần 7 năm khi ông còn công tác ở Tạp chí Cộng sản, cho biết Tổng Bí thư là một người hòa nhã, không bao giờ có sự phân biệt giữa người lãnh đạo với những người phục vụ, không bao giờ to tiếng, nói nặng lời với bất kỳ ai.

    Trong công việc, ông là người nghiêm túc, có nguyên tắc, nhưng ngoài công việc, ông là người chan hòa, tình cảm, chân thành, bỏ qua sự định danh về chức vụ, hàm cấp.

    Ông Thắng luôn nhớ lời dạy của bác Trọng, khi làm việc phải tận tụy với công việc, trung thành, chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ. Tổng Bí thư cũng lưu ý về cách ứng xử của những người phục vụ với xung quanh và đặc biệt đề cao việc đúng giờ, coi đó là nguyên tắc bất di, bất dịch.

    "Khi công tác ở các địa phương, bác luôn nhắc chúng tôi phải ứng xử chuẩn mực, thận trọng trong việc ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt để bảo đảm sức khỏe và làm tốt nhiệm vụ", ông Thắng nói.

    Ông Thắng kể lại, khi đã là Ủy viên Trung ương Đảng, theo thông lệ, khi lên xuống xe sẽ có người mở cửa, tuy nhiên Tổng Bí thư luôn tự mình làm và đùa rằng: Chẳng nhẽ tôi yếu đến độ không mở được cái cửa.

    Với những người xung quanh, Tổng Bí thư luôn căn dặn mọi người phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu lao động và góp sức vào việc xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

    Quê hương tự hào về Bác

    Trao đổi với ông Nguyễn Phú Việt – Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà, Trưởng tộc Nguyễn Phú làng Lại Đà (cháu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chú), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Phú làng Lại Đà, ông là con út trong một gia đình thuần nông có 5 anh em.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần về thăm quê hương, làng xóm (Ảnh: Tư liệu).

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần về thăm quê hương, làng xóm (Ảnh: Tư liệu).

    Dù nắm giữ các chức vụ cao của Đảng, Nhà nước, công việc bộn bề, nhưng khi sức khỏe còn bảo đảm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường dành thời gian về thăm quê, thăm hỏi họ hàng, bà con hàng xóm, nhân dân quê hương vào mỗi dịp lễ tết, giỗ họ.

    Mỗi lần về thăm quê, ông vẫn giữ sự giản dị, thân tình, gần gũi, dường như không có khoảng cách giữa ông với anh em họ tộc, bà con lối xóm.

    "Ở bác Nguyễn Phú Trọng, bà con dân làng, anh em họ tộc đều cảm nhận được sự gần gũi, thân thương, hòa đồng với quần chúng. Mỗi lần về quê, bác đều thăm hỏi, kính trọng với những người cao tuổi trong dòng tộc và dân làng, quan tâm đến các cháu thanh niên và thiếu niên nhi đồng. Ông thường động viên bà con trong gia đình luôn luôn có tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

    Quê hương, làng xóm, dòng tộc chúng tôi hết sức tự hào vì có một người con ưu tú, xuất sắc như bác. Nguyễn Phú Trọng Trong mỗi lần họp họ, lễ tổ, chúng tôi vẫn thường trao đổi và tiếp thu những lời căn dặn và mong muốn của bác nhằm phát huy truyền thống dòng họ, noi gương bác, đóng góp cho sự phát triển của quê hương", ông Việt tâm sự với Người Đưa Tin.

    Ngậm ngùi xúc động, ông Nguyễn Phú Việt cho biết ngay khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, trở về với tiền nhân, bà con trong dòng họ đều cảm thấy hụt hẫng, buồn thương.

    "Từ khi biết tin đến nay, mỗi lần nhắc đến tên bác, tôi đều rất xúc động, dẫu biết đó là quy luật của tạo hóa, nhưng nỗi đau không thể kiềm lại. Chúng tôi thương tiếc một người thân trong dòng tộc và thương tiếc một nhà lãnh đạo có tâm, có đức", ông Việt nói.

    Dâng một nén hương thơm, trong khoảnh khắc nghẹn ngào xúc động, Trưởng tộc Nguyễn Phú kính cáo với tổ tiên về sự trở về của một người con trong dòng họ. Trong niềm xúc động đó, có cả sự tự hào, kính phục về một con người kiệt xuất, hết lòng phụng sự cho Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-ung-au-ang-trong-tinh-cam-sau-nang-cua-que-nha-a447961.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan