Báo Kinh Tế & Đô Thị cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển mô tô, xe máy (gồm cả xe máy điện) mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 2-8 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước Giấy phép lái xe (GPLX) từ 10-24 tháng.
Cụ thể, Điều 6 của Nghị định nói trên quy định rõ 3 mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 10-12 tháng.
- Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 16-18 tháng.
- Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 22-24 tháng.
Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm.
XEM THÊM: Đề xuất 11 trường hợp cảnh sát được nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ
Trường hợp người điều khiển phương tiện cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi chống đối thì bị phạt tiền ở mức “kịch khung”, đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như Tội chống người thi hành công vụ, Tội gây rối trật tự công cộng…, theo thông tin trên báo An Ninh Thủ Đô.
Đinh Kim (T/h)