Liên quan đến sự việc một người điều khiển xe phân khối lớn gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, luật sư cho biết: "Người gây tai nạn cho người khác sau đó bỏ chạy có thể bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Chiều qua, một vụ tai nạn giao thông khá nghiêm trọng xảy ra ngay tại khu vực cầu vượt Láng Hạ - đoạn trước số nhà 22 phố Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội).
Người phụ nữ lớn tuổi nằm bất tỉnh sau cú va chạm khá mạnh. |
Theo hình ảnh ghi nhận được tại hiện trường, một người điều khiển xe máy phân khối lớn rú ga ầm ĩ, tông thẳng vào một người phụ nữ lớn tuổi đang đạp xe đạp cùng chiều. Sau khi gây ra vụ tai nạn, người điều khiển chiếc xe máy trên không dừng lại mà vít ga, bỏ lại nạn nhân nằm bất tỉnh trên đường.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – công ty Luật Dragon (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Nhiều người sau khi gây ra tai nạn thường xuống xe, nâng đỡ, thăm hỏi tình trạng của nạn nhân, hay gọi xe cứu thương, hô hoán mọi người cùng giúp đỡ...
Nhưng cũng có không ít trường hợp là bỏ mặc, không quan tâm tới sự sống chết của nạn nhân mà chỉ biết cắm đầu cắm cổ bỏ chạy để “phủi” trách nhiệm, như trong trường hợp này là một ví dụ.
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – công ty Luật Dragon. |
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có rất nhiều quy định để điều chỉnh vấn đề này cũng như ràng buộc trách nhiệm của người vi phạm, đồng thời là căn cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại.
Cụ thể, luật sư Tiệp trích dẫn căn cứ được quy định tại các điểm a, b; khoản 1; Điều 38 - luật Giao thông đường bộ 2008 về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.
Theo đó, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm phải dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
"Đối với trường hợp trên, người điều khiển xe phân khối lớn tông thẳng vào người phụ nữ đang đạp xe, làm nạn nhân ngã lăn ra đường, bất tỉnh rồi phóng xe bỏ trốn, tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người vi phạm gây ra có thể bị xử phạt theo các mức phạt khác nhau quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP", luật sư Tiệp cho biết.
Cụ thể, luật sư Tiệp trích dẫn quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 6, Nghị định 26/2016: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: “Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn”.
Hành vi bỏ chạy của người điều khiển xe phân khối lớn này sau khi gây tai nạn dưới góc độ hình sự được luật sư Tiệp phân tích như sau: Việc gây tai nạn rồi bỏ trốn còn là một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu vụ tai nạn đó có dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Cụ thể, Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;…”
“Như vậy, đối với những trường hợp người gây tai nạn bỏ chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm thì cơ quan chức năng bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình phải nhanh chóng tìm, bắt được đối tượng vi phạm. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả mà người vi phạm gây ra, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, luật sư Tiệp nêu quan điểm.
Tư Viễn
Theo Người Đưa Tin