Theo báo Nguời lao động, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, người dân cùng "khoe" hóa đơn tiền điện tháng 4.
Cụ thể, trên 1 nhóm cộng đồng, có người đăng nội dung "dân chơi giờ đừng khoe đồ hiệu nữa, khoe bill tiền điện đi", chỉ sau hơn 20 phút đã thu hút hơn 100 comment. Nhiều thành viên của cộng đồng này cho biết hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng đến 40%-50% so với tháng 3 nhưng do đã có sự chuẩn bị tâm lý trước nên không bị sốc.
Anh Nguyễn Vinh Hiếu, ngụ quận 8, TP.HCM, cho biết nhà chỉ có 2 vợ chồng, tiền điện bình thường chỉ khoảng 450.000 – 460.000 đồng, tháng 3-2024 tăng lên 550.000 đồng nhưng tháng 4 đã nhảy lên mức 725.000 đồng. "Tôi ở chung cư, bình thường chỉ cần mở hết cửa sổ, cửa cái và dùng quạt máy là đủ mát. Nhưng gần chục ngày nay phải mở máy lạnh phòng khách gần như mở 24/24 giờ, mọi sinh hoạt chuyển hết ra phòng khách để trốn nóng và tiết kiệm điện nhất có thể", anh Hiếu giải thích.
Tương tự, chị Ngọc, ngụ quận Bình Thạnh, cho biết vừa đóng hơn 997.000 đồng tiền điện, là mức cao nhất từ trước đến nay của gia đình chị. "Chủ yếu do xài máy lạnh nhiều. Nắng nóng quá, không có máy lạnh là thở không nổi" – chị Ngọc giải thích.
Dù vậy, vẫn có không ít người tỏ ra bất ngờ khi nhìn hóa đơn tiền điện dù trước đó đã "chuẩn bị tâm lý". Anh Trần Văn Thái, ngụ quận 3, TP HCM, cho biết anh không tin vào mắt mình khi thấy hóa đơn tiền điện tháng 4 gần 5 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với tháng trước.
"Nhà có 3 máy lạnh, 2 tủ lạnh mở 24/24. Vợ con tôi đã quen dùng máy lạnh khoảng 23-24 độ C, mấy ngày nắng nóng phải chỉnh xuống 20-21 độ C mới đủ mát. Biết là tiền điện sẽ đội lên cao nhưng không ngờ lại nhảy vọt đến vậy", anh Thái bộc bạch.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) chia sẻ, thời gian gần đây lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM liên tục phá vỡ các kỷ lục. Vào ngày 26/4, sản lượng điện tiêu thụ ở TP đã vượt hơn 103 triệu kWh, cao chưa từng có tại TP.HCM.
Trước tình trạng trên, UBND TP.HCM cũng ban hành công văn về đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn TP trong mùa khô, năm 2024 và các năm tiếp theo.
Lãnh đạo TP.HCM đề nghị đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng cần điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26oC trở lên, mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc; tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng, khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc.
Đối với các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ ngoài các yêu cầu trên cần tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22h; tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ công ty điện lực; khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng để chủ động thêm nguồn cung cấp điện. Các cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22h.
Đối với các hệ thống chiếu sáng giao thông điều chỉnh thời gian mở đèn trễ 30 phút và tắt đèn sớm 30 phút so với kế hoạch hiện nay, trên cơ sở đảm bảo an toàn giao thông; giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22h tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông ít.
Đối với các hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí nên tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo từ 22h; tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22h.
Các hộ gia đình thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện trong hộ gia đình, tắt thiết bị khi không sử dụng, sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong nhà.