+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông từng bị cả nước Nhật tẩy chay, ghét bỏ vì sống sót sau thảm kịch Titanic

    (ĐS&PL) - May mắn sống sót sau thảm họa Titanic, song ông Hosono lại bị người dân Nhật Bản ghét bỏ vì không tuân thủ nguyên tắc ưu tiên phụ nữ và trẻ em, cũng như không dám chấp nhận cái chết trong danh dự như tinh thần võ sĩ đạo.

    Vào đêm 14/4/1912 lạnh giá, chuyến đi đầu tiên của tàu Titanic trở thành thảm họa hàng hải lớn nhất lịch sử, khi con tàu đâm phải tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng. 

    Tên chính thức của chiếc tàu này là RMS Titanic (RMS là viết tắt của Royal Mail Ship). Tàu được đóng vào năm 1909 và hạ thủy năm 1912.

    Vào thời điểm đó, Titanic được xem là chiếc tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng bậc nhất. Tuy nhiên, tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của công ty sở hữu Titanic đã vụt tắt sau khi tai nạn kinh hoàng xảy ra.

    nguoi bi ca nuoc nhat ghet bo vi song sot sau tham hoa titanic dspl 0
    Con tàu Titanic rời khỏi Anh vào năm 1912. Ảnh: AP

    Trong số khoảng 700 người may mắn sống sót, có một người đàn ông Nhật Bản tên Masabumi Hosono. Ông Hosono giữ được mạng sống của mình nhưng cuộc sống của ông sau đó đã bị đảo lộn hoàn toàn, ông dường như "chết chìm" trong sự cười chê của dư luận nước Nhật.

    Ông Hosono (42 tuổi) là một nhân viên làm việc tại Nga trong Ban Đường sắt thuộc Bộ Giao thông Nhật Bản. Trước thời điểm thảm kịch xảy ra, ông vừa hoàn thành chuyến công tác tại Anh để nghiên cứu về hoạt động đường sắt của nước bạn và ông Hosono chọn lên tàu Titanic để trở về Nhật Bản. Cầm trên tay tấm vé hạng 2, ông được cho là hành khách người Nhật duy nhất trên tàu.

    Vào thời khắc xảy ra vụ chìm tàu thảm khốc, ông Hosono đang ngủ say. Một tiếng gõ cửa cabin đánh thức ông và ông nhanh chóng chạy ra ngoài. Thủy thủ đoàn của con tàu đã hướng dẫn ông di chuyển xuống các boong dưới của con tàu, cách các xuồng cứu sinh một khoảng.

    Trải nghiệm của ông Hosono về vụ chìm tàu kinh hoàng được mô tả trong một lá thư mà ông gửi cho vợ mình. Ông viết rằng bản thân vĩnh viễn không thể “xua tan cảm giác vô cùng sợ hãi” vào lúc đó. Người đàn ông đã chuẩn bị tinh thần cho việc trút hơi thở cuối cùng và hy vọng “không để lại bất cứ điều gì đáng hổ thẹn với tư cách là một người Nhật Bản”. Song song với đó, ông cũng thấy vô cùng tuyệt vọng khi nghĩ rằng sẽ không bao giờ gặp lại những người thân yêu của mình nữa.

    Trong khi chờ đón thời khắc định mệnh của mình, một cơ hội sống sót đã hiện ra với ông khi một sĩ quan đang chuẩn bị xuồng cứu sinh cho biết còn 2 chỗ trống. Một người đàn ông chớp lấy cơ hội và bước lên phía trước. Ban đầu Hosono do dự. "Nhưng việc người đàn ông đầu tiên nhảy xuống đã thôi thúc tôi nắm lấy cơ hội cuối cùng này", ông Hosono viết trong thư.  Vậy là ông quyết định chớp lấy cơ hội, nhảy xuống xuồng cứu sinh và cứu lấy chính mình.

    nguoi bi ca nuoc nhat ghet bo vi song sot sau tham hoa titanic dspl
    Ông Masabumi Hosono. Ảnh: Getty

    Ông Hosono sau đó trở về Nhật. Không giống như nữ tiếp viên Violet Jessop hay nhà hoạt động xã hội kiêm nhà từ thiện người Mỹ Margaret Brown, những người sống sót sau vụ chìm tàu được chào đón nồng ấm, ông Hosono đã bị chính quê hương mình lạnh nhạt.

    Ông vấp phải chỉ trích gay gắt từ báo chí Nhật Bản, vốn lên án những người đàn ông sống hèn nhát và ca ngợi lòng dũng cảm của những hành khách đã bỏ mạng trên tàu.

    Theo tạp chí Metropolis Japan, ông Hosono bị ghét bỏ vì đã không tuân thủ nguyên tắc ưu tiên phụ nữ và trẻ em cũng như không dám chấp nhận cái chết trong danh dự như tinh thần võ sĩ đạo. Vì thế, ông phải chịu cái mà người Nhật gọi là "mura hachibu", tức "tẩy chay xã hội".

    Ông Hosono mất việc vào năm 1914. Mặc dù được thuê lại làm việc bán thời gian nhưng những ánh mắt kỳ thị vẫn theo ông đến hết cuộc đời. Ôngsống ẩn dật trong tủi hổ cho đến khi qua đời vào năm 1939 vì bệnh. Ngay cả khi ông Hosono không còn, gia đình ông vẫn tránh đề cập đến tàu Titanic.

    Theo Brantford Expositor, thái độ chỉ trích lần thoát chết của ông Hosono còn kéo dài đến những năm 1990 và được đẩy đi xa hơn do phản ứng tiêu cực của truyền thông Nhật Bản sau bộ phim Titanic của James Cameron.

    Trước khi qua đời, ông Masabumi Hosono đã giãi bày nỗi lòng đau đớn của mình khi “bị khinh bỉ chỉ vì đã sống sót” trong một bức thư dài gửi vợ. Những chia sẻ này được gia đình ông công khai sau đó.

    nguoi bi ca nuoc nhat ghet bo vi song sot sau tham hoa titanic dspl 0b
    Bức thư "kêu oan" của ông Masabumi Hosono viết cho vợ.

    Mãi đến năm 1997, sau khi nghiên cứu tài liệu, AP đánh giá một trong những nguyên nhân khiến ông Hosono bị căm ghét nhiều đến vậy là ông đã bị nhầm lẫn với một người đàn ông châu Á trên thuyền cứu sinh số 13. Nhiều nhân chứng mô tả người đàn ông này có những hành động "đê tiện" khi cố gắng sống sót. Trong khi đó, ông Hosono đã giúp chèo thuyền cứu sinh số 10 ra xa con tàu đang chìm, cứu mạng nhiều hành khách đi cùng.

    Ông Matt Taylor, nhà nghiên cứu người Mỹ kiêm học giả về tàu Titanic, cho hay phát hiện này đã "khôi phục danh dự và phẩm hạnh" cho ông Hosono.

    Lời kể của ông Hosono là một trong những bản ghi chép chi tiết nhất về điều đã xảy ra trên con tàu xấu số. "Tôi đã đọc hàng trăm lời kể của những người sống sót và không có gì khiến tôi ấn tượng bằng lời kể của ông Hosono", ông Michael Findlay, người sáng lập Hiệp hội Quốc tế Titanic, tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, nói năm 1997.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-tung-bi-ca-nuoc-nhat-tay-chay-ghet-bo-vi-song-sot-sau-tham-kich-titanic-a585676.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan