Theo thông tin ban đầu, vào tối 13/8, ông Đ. phát hiện con rắn nặng gần 1kg bò trước cổng nhà nên dùng tay không để bắt và không may bị rắn cắn vào tay phải.
Sau đó, ông Đ. bỏ rắn vào can nhựa loại 5 lít màu trắng và kể cho hàng xóm nghe sự việc. Do nghĩ là rắn không độc nên ông Đ. không đi chữa trị.
Đến chiều 14/8, anh Bùi Văn Trường (38 tuổi, là hàng xóm) sang nhà ông Đ. chơi và phát hiện đó là loại rắn hổ mèo thuộc dạng rắn độc.
Sau khi kiểm tra vết rắn cắn trên cánh tay ông Đ. thấy sưng, anh Trường đã lấy xe máy chở ông Đ. qua nhà một người dân ở phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài để chữa trị bằng mẹo dân gian.
Sau đó, ông Đ. về nhà và không đến bệnh viện. Đến tối 15/8, do vết thương quá nặng, ông Đ. đã tử vong.
Theo các chuyên gia, nếu bị rắn độc cắn, cần ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu đã được dự trữ sẵn, đặc biệt khi là thấy vết thương có dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng hoặc đau.
Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, nên thực hiện các bước sơ cứu để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể: Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý, dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
Các bác sĩ cho biết, sai lầm lớn nhất của bệnh nhân và người nhà là áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu khi bị rắn cắn. Nhiều trường hợp đợi đến khi xuất hiện các triệu chứng suy hô hấp nghiêm trọng, hoặc vết thương hoại tử lan rộng, thì mới vội đến cơ sở y tế thăm khám.
Nhận biết và tránh xa môi trường có rắn sinh sống hay ẩn nấp là cách đề phòng bị rắn độc cắn hiệu quả. Ngoài ra nên trang bị quần áo bảo hộ an toàn và dùng đèn chiếu sáng nếu đi trong rừng hoặc biển, đến gần khu vực nhiều cây cỏ hay vũng nước, có đống đổ nát, đặc biệt là trong đêm tối.
Trong trường hợp gặp rắn, cần nhẹ nhàng tránh càng xa càng tốt, rắn khá sợ con người nên sẽ bỏ đi và chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa. Vì vậy không được bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép giết chết rắn, bởi rắn dù đã chết vẫn có thể còn chứa nọc độc nguy hiểm.
Việt Hương (T/h)