+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông trả giá bằng ngày tháng cô đơn trong trại giam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Được giảm án từ chung thân xuống án có thời hạn nhưng Hà Văn Tông, chẳng biết chia sẻ niềm vui này với ai.

    Được giảm án từ chung thân xuống án có thời hạn nhưng Hà Văn Tông, chẳng biết chia sẻ niềm vui này với ai. Bởi dễ có đến chục năm nay, Tông không nhận được bất cứ thông tin gì về người thân. Bố mẹ không còn, chị gái lấy chồng nước ngoài, có mỗi vợ thì sau 2 lần tới thăm, người phụ nữ ấy chỉ thông báo rằng đưa con về quê ngoại rồi bặt tin từ đó...

    Thế nên khi nhắc đến phạm nhân này, Đại úy Phạm Văn Dũng, cán bộ giáo dục trại giam Nam Hà bảo Tông nằm trong diện phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, không người thăm nuôi.

    “Phạm nhân này ở đội bệnh xá do hay ốm đau, có thương tật ở chân do gãy chân từ ngày ở nhà nên không phải đi lao động. Đây là trường hợp nằm trong diện cô đơn, không người thăm nuôi, năm nào cũng được trại tặng quà vào những dịp lễ Tết. Quà chủ yếu là nhu yếu phẩm như thùng mì tôm, vài chiếc khăn mặt, hộp thuốc đánh răng, tuy có giá trị nhỏ nhưng chủ yếu để động viên tinh thần họ cố gắng cải tạo”, cán bộ Dũng chia sẻ.

    Trả giá vì phút nóng giận

    Chúng tôi gặp phạm nhân Hà Văn Tông, SN 1976, trú tại thôn Mò, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, khi xuống thăm bệnh xá trại giam Nam Hà. Đang ngồi chơi thơ thẩn nơi bậc thềm phía ngoài hành lang, thấy có khách đến, Tông vội vàng đứng dậy, lê bước chân cà nhắc vào buồng bệnh. Cái dáng đi lao về phía trước và nét mặt khá đặc trưng của người dân tộc khiến chúng tôi chú ý.

    - Em là người dân tộc Nùng. Em vào trại từ năm 2004, án chung thân nhưng được xuống án 2 năm nay rồi Tông khoe, đôi mắt không giấu niềm vui.

    - Thế người nhà đã biết chưa, có thông báo về không hay là giấu”, chúng tôi hỏi.

    Tông lắc đầu khe khẽ:

    - Muốn thông báo lắm nhưng chẳng biết thông báo cho ai

    - Thì không kể được với bố mẹ, anh chị thì khoe với vợ - chúng tôi tiếp tục.

    Tông cười buồn: - Vợ nó bỏ em rồi, chục năm rồi có tới thăm đâu.

    - Thế còn con, nói cho nó biết nó mừng, chúng tôi bảo.

    Tông trả lời: - Con em giờ cũng 17 tuổi rồi đấy. Ngày em bị bắt nó mới 3 tuổi nhưng cha con quá lâu rồi không gặp có lẽ cũng thành người dưng rồi.

    - Sao lại nghĩ thế. Chắc là điều kiện chưa cho phép nên mẹ con anh chưa xuống thăm được thôi. Cố gắng cải tạo đi rồi về. Bố con gặp nhau, trò chuyện là mọi khoảng cách sẽ được xóa. Không có gì bằng tình máu mủ anh nhé - chúng tôi động viên, không ngờ Tông rơm rớm nước mắt.

    “Là lỗi tại em. Chính cái việc em làm đã dứt tình máu mủ nên giờ mới bị ghẻ lạnh thế này. Em không oán trách họ đâu, có trách thì trách chính mình thôi”, Tông bộc bạch.

    Tông bị bắt, bị kết án chung thân vì tội giết người mà nạn nhân không ai khác chính là mẹ đẻ của anh ta.

    Theo lời Tông kể thì anh ta không cố ý làm điều đó nhưng có lẽ hôm đó vì quá nóng giận nên đã không kiềm chế được bản thân. Hơn chục năm sống trong trại cải tạo, Tông luôn nghĩ đến việc này và không thôi day dứt, ân hận.

    “Em không hề muốn điều đó xảy ra. Lúc em gây tội ác, em đã có vợ, có con rồi. Người khác thì không biết nhưng với một người từ bé đã thiếu thốn tình cảm như em, việc cướp đi mạng sống của chính người sinh thành ra mình nó đặc biệt lắm, các chị hiểu cho”, Tông tâm sự.

    Là con trai út trong gia đình có 2 chị em nhưng Tông không được hưởng sự chiều chuộng, nâng niu của gia đình bởi bố mất sớm.

    Mẹ ở vậy nuôi con nhưng thu nhập chỉ trông vào mảnh vườn và ít ruộng nên cuộc sống của ba mẹ con Tông lúc nào cũng trong cảnh thanh bần. Sớm chịu cảnh thiệt thòi nên Tông lúc nào cũng sống trong sự tự ti, mặc cảm. Ngay cả việc cắp sách đến trường với Tông cũng là một cực hình.

    Không phải Tông không muốn đi học nhưng vì đến lớp hay bị các bạn chòng ghẹo nên Tông ngại. Anh ta kể rằng mỗi lần đến lớp, bị các bạn trêu đùa là Tông lại chui vào một xó xỉnh nào đó đứng khóc. Những câu nói vô tâm của bọn trẻ cứ như nhát dao cứa vào tâm hồn đứa trẻ mồ côi như Tông khiến anh ta lúc nào cũng có cảm giác bị tổn thương. Tông trở nên lầm lì, cáu bẳn.

    “Em học chưa hết lớp 1. Cứ bỏ học mẹ lại bắt đến trường. Sau 3 lần bắt em đi học lại không được, mẹ bỏ cuộc. Em cũng mù chữ luôn từ đó”, Tông kể.

    Hỏi lý do vì sao lại sát hại mẹ, Tông kể, hôm đó đi làm ruộng về, cả nhà ai cũng mệt và đói nhưng mẹ luôn cằn nhằn. Mẹ trách Tông về trước mọi người mà không chịu chuẩn bị cơm nước cho cả nhà lại lăn ra ngủ.

    Mẹ giận thì nói thế nhưng Tông lại nghĩ mẹ không thương mình chân tay không lành lặn. Thế là xảy ra đôi co, cãi vã. Trong lúc không giữ nổi bình tĩnh, Tông đã vồ lấy cái chày giã cua và trở thành kẻ giết mẹ.

    “Em không bao giờ tha thứ cho mình nhưng dù có ân hận bao nhiêu đi nữa thì mọi việc cũng đã xảy ra rồi. Trên đời này mà nói hai từ giá như rồi sửa chữa được thì chắc sẽ không có nhà tù, không có những kẻ phải đau khổ, dằn vặt như em”, Tông tâm sự.

    Theo lời Tông kể thì sau khi bỏ học, Tông ở nhà chơi đến tuổi lớn cũng đỡ đần được mẹ nhiều việc. Tông cũng đi làm ruộng, cũng biết ngày nông nhàn đi làm thuê làm mướn rồi lấy vợ. Cái chân bị gãy, theo lời phạm nhân này kể là xảy ra vào năm 1999, khi anh ta bị ngã trong lần mắc bệnh cảm cúm.

    “Nhà nghèo nên em chỉ bó lá, không ngờ vết gãy không liền xương mà chồi lên khiến cho em đi đứng còn khó, muốn ngồi cũng không ngồi thẳng được. Từ ngày vào trại, vết đau cũ lại tái phát nên em hầu như có mặt suốt ở bệnh xá”, Tông kể.

    Cuối năm 2004, Tông về trại giam Nam Hà cải tạo bản án chung thân. Vợ có đem con trai xuống thăm 2 lần rồi xin phép về nhà ngoại sống. Kể từ đó, Tông bặt tin vợ con. Anh ta bảo không biết vợ con sống ra sao, vợ đã lấy chồng chưa và con trai thế nào.

    “Em nhẩm tính con em giờ 17 tuổi, chắc cũng ra dáng thanh niên lắm rồi. Không biết có được học hành gì không. Nghĩ đến con là em ân hận”, Tông tâm sự.

    Phạm nhân Hà Văn Tông đang được các y sĩ kiểm tra sức khỏe. (Ảnh: P.Tâm)

    Ngóng đợi ngày về.

    Nhà có 2 chị em nhưng chị gái Tông bỏ sang Trung Quốc lấy chồng từ lâu lắm rồi. Ngày chưa đi tù, Tông cũng vài lần được gặp chị gái qua những lần chị về nhà giỗ bố.

    Từ khi đi tù, Tông không gặp được ai và cũng không biết liên lạc với ai để hỏi thăm về người thân của mình. Anh ta bảo cứ mỗi khi trong đội có người được gia đình tới thăm, Tông lại hình dung đến ngôi nhà anh ta đã lớn lên. Hơn chục năm không người ở, chắc nhà Tông hoang tàn lắm. Tông bảo chỉ biết ngậm ngùi thế chứ ngày ra trại còn xa lắm.

    “Em được xuống án 2 năm nay rồi. Từ chung thân xuống án có thời hạn cũng là mừng lắm rồi. Nhưng em mới đi được nửa chặng đường thôi. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Dù thế nào thì em cũng sẽ cố gắng. Em được cán bộ động viên nhiều nên càng phải cố gắng cải tạo để sớm trở về thắp cho bố mẹ nén hương cho ông bà đỡ tủi”, Tông tâm sự.

    Anh ta bảo, trước đây bị kết án chung thân còn có lý do tiêu cực chứ bây giờ xuống án có thời hạn, sắp được xét giảm rồi thì không còn lý do gì để bi quan nữa mà phải coi đó là động lực để phấn đấu.

    Đang nói thế, Tông bất giác mỉm cười. Có lẽ anh ta đang nghĩ tới ngày được gặp lại cậu con trai bao lâu xa cách. Nhìn nét mặt của anh ta, chúng tôi cũng thầm chúc cho Tông sớm đạt được điều đó.

    Phương Tâm 
    Bài đăng trên ấn phẩm Hôn Nhân & Pháp luật số 92
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-tra-gia-bang-ngay-thang-co-don-trong-trai-giam-a238916.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan