(ĐSPL) - Thay vì kéo vợ bỏ chạy, phản ứng thường thấy khi gặp nguy hiểm thì ông Thảo lại một mình ôm bình gas đang cháy hừng hực chạy ra khỏi nhà.
Sự việc xảy ra vào ngày 11/4, ông Dương Minh Thảo (52 tuổi, trú tại khu tập thể Trường cấp 1-2 Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) sau đó đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng, ông Thảo cho biết: Hôm đó khi ông đang luộc nồi rau muống, vừa bước ra ngoài cửa bếp được ba bước chân, định đi lấy quả sấu cho vào nồi canh thì nghe tiếng xì gas.
Ngôi nhà bị cháy rụi. |
Biết có chuyện, ông Thảo lao lại bếp, thấy gas phụt mạnh lên trần nhà. Ông thò tay khóa van nhưng không có tác dụng vì ga phụt ra từ vết nứt ở cổ bình. Lửa trên bếp nhanh chóng bén theo dòng gas lên trần nhà. Trong tích tắc, ông Thảo ôm lấy bình ga đang rực lửa lao ra ngoài bếp.
“Lửa bùng bùng cháy ở bình gas, tôi nhắm mắt, mặt ngoảnh đi chỗ khác nhằm hạn chế thương tích, vừa “khấn trời” cho nó đừng nổ nếu không mình sẽ tan xác”, ông Thảo nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Hiên, vợ ông Thảo vẫn chưa hết bàng hoàng: Gas phụt mạnh khiến cả gian bếp trong tích tắc đã chìm trong biển lửa và bắt đầu lan vào trong nhà. "Lúc ấy tôi đang ngồi soạn giáo án trong nhà, nghe tiếng xì hơi đã giật mình, nhưng chỉ nghĩ là lốp xe bị nổ. Khi thấy khói và lửa bén vào nhà, tôi lao ra thấy ông nhà tôi ôm bình gas đang cháy phừng phừng chạy thẳng ra ngoài sân và đặt ngay cổng ra vào.
Tôi sợ hãi la lên thì ông ấy bảo tôi cứ tìm chỗ nào mà nấp tạm. Trong lúc ôm bình gas chạy ra ngoài, lửa phụt lên cao táp vào mặt nên dù ông nhà tôi đã quay mặt đi để tránh thương tích nhưng vẫn bị bỏng nặng ở mặt, hai tay cháy Sém, rất may mắt không bị ảnh hưởng sau khi điều trị", bà Hiên ngậm ngùi kể lại.
Ông Thảo may mắn thoát chết. Ảnh: PL.TPHCM |
Nhà ông Thảo là nhà cấp bốn, rộng chưa đầy 20m2. Trước hiên, bên phải là bếp gia đình, bên trái là lối đi ra ngõ chung khu tập thể. Phía gần bếp, cách chưa đầy 2m là hai lớp tiểu học đang trong giờ học, mỗi lớp gần 40 học sinh. Bên trái bếp, cách khoảng 6 mét là chợ Ninh Hiệp đông đúc. Trong nhà ông Thảo, người vợ làm giáo viên đang soạn bài. Vì vậy, quẳng quả “bom gas” ở chỗ nào cũng có nguy cơ gây thương vong cho người khác.
Ông kể thêm, khi phát hiện bình gas rò rỉ, nếu gọi vợ cùng chạy ra ngoài, vợ chồng ông sẽ an toàn. “Nhưng nghĩ đến người khác, nhất là đám trẻ trong lớp học, tôi không nỡ làm như vậy”. Bất chấp lửa táp đầy người, ông Thảo vẫn cẩn thận ôm bình gas ra ngõ nơi không có người, rồi mới co chân ù té chạy về nhà.
Lối đi đã bị bình gas nguy cơ phát nổ án ngữ, ông cùng vợ phá cửa sổ thoát ra phía sau. Rất may, hàng xóm nghe thấy kêu cứu nên vội vàng dùng búa đinh phá song cửa để cứu hai vợ chồng ông Thảo.
Nạn nhân bị cháy ở nhiều vị trí, nhất là tay, chân, mặt. Bác sĩ kết luận bị bỏng độ 2-3, tỷ lệ 30\%.
Với khuôn mặt bị cháy sạm, đôi bàn tay tróc da gần hết, ông vẫn cười tươi nói rằng mình may mắn. "Lúc ấy tôi chẳng có suy nghĩ gì ngoài việc sợ bình gas phát nổ thì không chỉ tôi, mà cả vợ tôi trong nhà, những người xung quanh và nhất là đám trẻ trong lớp học sẽ gặp nguy hiểm, nên tôi liều mình bê bình gas ra sân, với hi vọng thoáng khí, không có sức nóng từ đám cháy, bình gas sẽ không phát nổ.
Thật may bình gas không nổ, nếu không tôi cũng đã xanh cỏ rồi. Sau đó, bình gas tiếp tục cháy trong khoảng 15 phút, đến khi hết gas trong bình mới thôi ", ông Thảo chia sẻ với tờ Cảnh sát toàn cầu.
Theo những người có kinh nghiệm, nếu rì rỉ do đứt cổ bình gas là lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất, không phải lỗi chủ quan của khách hàng. Do đó, trong vụ rò rỉ và cháy bình gas trên, nhà sản xuất phải có trách nhiệm với khách hàng, nhất là với người dũng cảm vì cộng đồng như ông Thảo.
Xử trí tình huống bình gas rò rỉ: Trừ bình gas minni, bình gas gia đình bằng thép hầu như rất an toàn, có thể chịu đựng được nhiệt độ và áp suất rất cao. Chính vì thế, nguyên nhân chính từ các vụ cháy nổ chủ yếu là do rò rỉ khí gas ở bên ngoài bình, từ van, ống dẫn đến thiết bị sử dụng. Hay gặp nhất là các trường hợp do gioăng của van không kín, không đảm bảo chất lượng hoặc bị lắp ẩu. Kế đến là các vụ rò khí gas do ống dẫn bị mòn, thủng, hoặc chuột cắn đứt. Bản thân khí gas rò ra không sinh ra vụ nổ, nhưng khi bắt gặp tia lửa điện hoặc có nhiệt độ đủ đạt đến mức gây cháy, hỗn hợp khí gas sẽ bắt cháy, gây nổ mạnh, nguy hiểm cho con người. Vì thế đặc biệt lưu ý những nguyên tắc cơ bản để đối phó với rò gas: - Khi ngửi thấy mùi gas trong nhà (phát hiện có rò gas), tuyệt đối không động đến bất kỳ thiết bị nào có thể phát sinh tia lửa điện, không bật tắt công tắt đèn, quạt, đóng cắt mạch điện, kể cả điện thoại di động. - Lập tức khóa van bình. - Sử dụng các phương tiện thông gió thủ công, ví dụ quạt nan hoặc mảnh bìa cactong để quạt tản khí đi. Nếu quạt máy đang chạy thì vẫn để nguyên. - Mở hết các cửa ở phía trên bếp (không phải là các cửa ngang bếp) để tạo đối lưu lên trên, khi nào hết mùi mới được mở hết các cửa nhà. |