+Aa-
    Zalo

    Người đàn ông ở Phú Yên tử vong sau 3 tháng bị chó cắn

    (ĐS&PL) - Sau khi bị chó cắn, người đàn ông ở Phú Yên chủ quan không đi tiêm phòng. 3 tháng sau người này bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh dại và tử vong.

    Theo báo Tuổi trẻ, ngày 10/1, ông Nguyễn Gia Phong - chủ tịch UBND phường Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) - xác nhận một người đàn ông ở phường này vừa tử vong nghi mắc bệnh dại.

    Báo cáo của Trung tâm Y tế thị xã Đông Hòa cho biết, cách đây hơn 3 tháng ông N.T.K. (37 tuổi, ngụ phường Hòa Vinh) bị một con chó lạ cắn vào tay. Do con chó có đeo sợi dây xích, ông K. nghĩ vết thương là do dây xích cào nên không đi tiêm phòng.

    Đến ngày 4/1, ông K. xuất hiện triệu chứng khó thở, tức ngực, nôn ói. Ngày 8/1, ông K. đi tắm thì thấy sợ nước, không ăn được thức ăn có nước, sợ hãi không dám uống nước, thể trạng mệt mỏi. Ông K. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên để nhập viện lúc 0h ngày 9/1.

    phu yen nguoi dan ong tu vong sau 3 thang bi cho can
    Người đàn ông bị cho cắn nhưng không tiêm phòng bệnh dại. Ảnh: Getty Images

    Sáng cùng ngày, gia đình xin xuất viện và đưa ông K. vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa khám. Tuy nhiên, đến 2h ngày 10/1 thì ông K. tử vong nghi do bệnh dại. Các trường hợp tiếp xúc gần với ông K. đã đi tiêm ngừa vắc xin dại và huyết thanh kháng dại.

    Báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.

    Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 hoặc 2 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Do đó, xử trí vết cắn rất quan trọng để giảm số lượng của vi rút dại.

    Ngay sau khi bị chó mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Tiếp đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% (70 độ) hoặc cồn i-ốt, nếu có. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

    Tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Theo Cục Y tế dự phòng, cần áp dụng PEP trong các điều kiện sau đây: nếu vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu; nếu màng nhầy ở vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại; nếu con vật đã cắn người bị chết, biến mất trong thời gian theo dõi, có biểu hiện hành vi không bình thường, thất thường, nếu kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật nghi dại hoặc bị dại cho kết quả dương tính.

    Phương Uyên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-ong-o-phu-yen-tu-vong-sau-3-thang-bi-cho-can-a606804.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan