Theo báo Thanh Niên, bệnh nhân là H.T.T (34 tuổi, ngụ P.Dương Đông, TP.Phú Quốc) đến phòng khám khoảng 14h30, ngày 26/10. Khi đến, anh T. có mang theo xác một con nhện màu đen và cho biết đây là con nhện đã cắn anh trước đó khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Qua kiểm tra, bác sĩ xác định vết cắn ở vị trí đốt ngón trỏ bàn tay phải, phù nề ngón, vết thương chảy máu, toàn thân đau nhức. Ê kíp bác sĩ tiến hành phong bế vết thương bằng thuốc Nidocain (2 ống). Sau đó lấy máu xét nghiệm và cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau, chống phù nề, chống dị ứng và truyền dịch giải độc.
Kết quả xét nghiệm cho thấy men gan tăng (dấu hiệu nhiễm độc) cao nên ê kíp bác sĩ xin ý kiến lãnh đạo phòng khám tiếp tục điều trị và theo dõi, nếu có bất thường sẽ chuyển lên tuyến trên.
Sau 90 phút điều trị và theo dõi, đến chiều cùng ngày, bệnh nhân đã ổn định. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn yêu cầu bệnh nhân ở lại phòng khám để tiếp tục theo dõi.
Con nhện có kích thước khá to, sải chân dài đến 13 cm, chân có nhiều lông, nhất là 2 răng nanh của nhện dài và rất nhọn…
Phú Quốc đang bước vào cuối mùa mưa, bác sĩ cũng khuyến cáo bà con có đi làm vườn hay lao động sản xuất cũng nên đem theo đồ bảo hộ.
Ở khu vực có nhiều rác, đất đá, người dân nên đi ủng, phát quang bụi rậm cho trống, tránh trường hợp bị rắn hoặc côn trùng có độc cắn phải.
Các khu resort, nhà nghỉ, khách sạn ở địa phương tranh thủ trời nắng nên dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo an toàn cho mọi người và du khách. Đặc biệt, nếu bị nhện độc hoặc rắn cắn, mọi người nên cố gắng bắt được các loài vật trên mang đến bệnh viện để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, thông tin từ Báo Pháp luật TP.HCM.
Thùy Dung(T/h)