(ĐSPL) Sau khi đánh, chém nhiều người bị thương, Thiên chạy về nhà đóng cửa cố thủ. Khi cảnh sát khu vực mời Thiên về làm việc thì đối tượng hung hãn cầm dao tấn công.
Thông tin về vụ việc được đăng tải trên các báo Tuổi trẻ, Dân Việt, Vietnamnet, Dân trí.
Cụ thể, Công an quận 3, TPHCM cho biết đang tạm giữ nghi can Trần Trị Thiên (41 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) để điều tra, xử lý về các dấu hiệu của hành vi “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng”.
Trước đó, khoảng 19h tối 21/12, Thiên mua rượu về uống tại nhà trong hẻm 48 Cách Mạng Tháng Tám (phường 11, quận 3), sau đó Thiên đi xung quanh hàng xóm la lối và gây sự vô cớ.
Lúc này, anh P. (SN 1973) đang ngồi nhậu cùng bạn tên T. trong nhà nghe thấy ồn ào chạy ra khuyên nhủ Thiên. Tuy nhiên, 2 bên phát sinh cự cãi, Thiên xông vào đánh khiến anh P. rách mí mắt.
Đối tượng Trần Trị Thiên tại cơ quan công an - Ảnh: Vietnamnet |
Một người khác là anh H. (SN 1981) vào can ngăn cũng bị Thiên đuổi chém khiến anh H. bị thương tích ở đầu và tay, hiện cấp cứu tại bệnh viện.
Sau khi đánh, chém nhiều người bị thương, Thiên chạy về nhà đóng cửa cố thủ. Người dân gọi trình báo công an địa phương đến xử lý.
Khi cảnh sát khu vực đến làm việc thì bị Thiên cầm dao chém nhưng không trúng.
Nhận tin báo của Công an phường 11, Công an quận 3 đã triển khai tổ công tác gồm nhiều lực lượng phối hợp mời người nhà của Thiên cùng chính quyền địa phương đến vận động, nhưng Thiên vẫn cố thủ bên trong và có hành động la hét, đập phá.
Lúc này, phía trong nhà Thiên còn hai cô gái thuê phòng trọ đang hoảng sợ đang tìm cách thoát ra nên công an đã tiếp cận, mở được cửa sổ sau nhà để cả hai thoát ra ngoài an toàn.
[poll3]286[/poll3]
Hiện sự việc đang được cơ quan công an tích cực điều tra, làm rõ.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; b) Có tổ chức; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Tổng hợp