VietNamNet đưa tin, anh N.V.D. (35 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) đang làm việc gần đường điện thì bất ngờ thấy ánh sáng lóe lên kèm theo tiếng "xẹt". Sau đó, anh D. bất tỉnh, mọi người xung quanh đã lấy nước dội lên toàn thân bệnh nhân và đưa anh vào trạm y tế cấp cứu trong tình trạng bỏng rát, đau đớn. Sơ cứu xong, anh D. được chuyển tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) tiếp tục theo dõi và điều trị.
Trường hợp thứ 2 là anh M. (25 tuổi trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) vào cấp cứu với tổn thương điện giật. Theo người nhà, anh câu cá gần đường điện trung thế và bị điện giật, choáng váng ngã xuống nước, được người đi cùng đưa vào viện cấp cứu. Tại bệnh viện, nam thanh niên được xác định tổn thương bỏng do điện, đặc biệt là vùng mặt, cổ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Diện, Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, cho biết 2 bệnh nhân đều có tổn thương bỏng độ I, II, III tại nhiều vùng cơ thể do tia lửa điện. Ngoài điều trị, chăm sóc tổn thương bỏng, người bệnh phải theo dõi hội chứng tiêu cơ vân. Đây là tình trạng thường gặp sau chấn thương, sập hầm, đổ nhà, động đất, bỏng diện tích lớn, bỏng do điện giật hoặc sét đánh... gây tình trạng rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, sốc giảm thể tích và suy thận cấp.
Làm gì khi phát hiện người đang bị điện giật?
Khi thấy có người bị điện giật, chúng ta cần xử lý cấp cứu như sau: nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng cách cắt cầu dao điện. Có thể dùng bất cứ một vật dụng gì khô nhưng không phải bằng kim loại để đẩy, tách nạn nhân bị điện giật ra khỏi dòng điện. Không được dùng tay không đưa nạn nhân bị điện giật mà nên mang găng tay cao su hay quấn bao nilông, vải khô, đi guốc dép khô hoặc đứng trên một tấm ván gỗ khô, dùng gậy gỗ khô để gạt dây điện ra.
Nếu nạn nhân bị ngừng thở, ngừng tim phải tiến hành hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực ngay. Đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp.
Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Bất động, cố định tốt chi bị tổn thương và cột sống. Sau khi cấp cứu nếu tim đập trở lại, nạn nhân hít thở tự nhiên thì khẩn trương chuyển đến bệnh viện, theo Sức khỏe & Đời sống.