Báo Dân Việt thông tin, ngày 21/9, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đã phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Triệu Tà Mềnh (SN 1991, trú tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì) để điều tra về tội hiếp dâm.
Theo cơ quan chức năng, trước đó, vào khoảng 0h15 ngày 18/9, tại phòng nghỉ ở homestay BUNGALOW thuộc thôn Nậm Hồng, Triệu Tạ Mềnh đã lẻn vào phòng ngủ của chị T.N.L (SN 1993, ở Hà Nội, làm nghề hướng dẫn viên du lịch) để thực hiện hành vi hiếp dâm.
Ngay sau khi nhận được đơn tố giác, Công an huyện Hoàng Su Phì đã vào cuộc xác minh điều tra. Quá trình đấu tranh, bước đầu nghi phạm đã thừa nhận hành vi hiếp dâm nữ hướng dẫn viên du lịch.
Nạn nhân kể lại, ngày 14/9, chị dẫn một đoàn du khách lên huyện Hoàng Su Phì. Đoàn đông nên chia ra nhiều nơi để nghỉ, trong đó chị ở một homestay tại thôn Nậm Hồng. Khoảng 1h30 ngày 18/9, phòng của chị bị Mềnh lẻn vào. Sau khi sự việc xảy ra, chị đã liên hệ với chủ homestay để phản ánh vụ việc.
"Do chỉ có một mình, tôi không dám kêu cứu vì sợ nguy hiểm tính mạng. Tôi vờ thỏa hiệp rồi lấy tay bật đèn ngủ trên đầu giường để nhìn mặt kẻ hiếp dâm", chị L. nói, đồng thời cho hay vì cảm thấy ở homestay an toàn nên khi đi ngủ đã chủ quan không khoá cửa.
Căn cứ định tội và khung hình phạt
Trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty luật Dragon, nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự địa phương. Căn cứ tố giác của chị L., cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý nghi phạm về một trong 2 tội là Hiếp dâm (Điều 141) hoặc Cưỡng dâm (Điều 143) theo Bộ luật Hình sự 2015.
Để xét căn cứ xử lý Triệu Tà Mềnh về một trong 2 tội danh nói trên, cần làm rõ điểm khác nhau của các tội hiếp dâm và cưỡng dâm.
Với tội hiếp dâm, dấu hiệu tội phạm bắt buộc phải có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác nhằm mục đích thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân. Khái niệm về "lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân" được quy định rõ trong khoản 7, Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của TAND Tối cao.
Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh như không thể chống cự (Bị tai nạn, ngất, trói, khuyết tật...) hoặc bị hạn chế, mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (Bị say rượu, chuốc thuốc mê, bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn tới mất khả năng nhận thức...) để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Đối với tội hiếp dâm được quy định, người phạm tội và nạn nhân có thể là bất kỳ ai, không bắt buộc phải có mối quan hệ quen biết từ trước đó.
Trong khi đó, với tội cưỡng dâm, dấu hiệu tội phạm bắt buộc là nạn nhân là người lệ thuộc vào người phạm tội hoặc nạn nhân đang trong tình trạng quẫn bách, phải miễn cưỡng chấp nhận quan hệ với người phạm tội. Khái niệm về người lệ thuộc và người đang trong tình trạng quẫn bách được quy định tại các khoản 10, 11 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của TAND Tối cao.
Cụ thể, người lệ thuộc quy định tại khoản 1 Điều 143 và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình quy định tại khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày...) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn...).
Người đang ở trong tình trạng quẫn bách là trường hợp người bị hại đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách nhưng không tự mình khắc phục được mà cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác, ví dụ như không có tiền chữa bệnh hiểm nghèo, không có tiền để chuộc con mình đang bị bắt cóc…
Căn cứ vào những điều trên, có thể thấy tội danh cưỡng dâm được xác định khi bị hại và người phạm tội có những quan hệ quen biết nhất định, dựa theo từng trường hợp cụ thể. Việc dùng thủ đoạn để thực hiện hành vi là thủ đoạn về ép buộc tinh thần, không có hành vi bạo lực về thể chất.
Đối chiếu với các thông tin mà chị L. cung cấp, có thể thấy giữa chị và Mềnh không có bất cứ mối quan hệ nào và chị đã bị Mềnh dùng sức mạnh về thể chất để cưỡng chế không cho giãy dụa, bỏ chạy và thực hiện hành vi giao cấu. Chị L. không kêu cứu nhưng vẫn có hành động giãy dụa, chống trả lại hành vi cố tình giao cấu của nghi phạm. Điều này thể hiện ý chí của nạn nhân là không muốn nghi phạm thực hiện hành vi giao cấu với mình.
Theo đánh giá của luật sư Nguyễn Minh Long, nếu diễn biến vụ việc đúng với tố giác của nữ du khách, hành vi phạm tội có dấu hiệu thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội Hiếp dâm quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt đối với tội danh này là 2-7 năm tù.
Đinh Kim(T/h)