Suốt hành trình 21 năm lẩn trốn truy nã, Lục đã phiêu bạt qua các tỉnh thành phía Nam. Thời điểm bị bắt giữ, đối tượng đang trong một nhà nghỉ tại Bình Phước.
Theo báo Tuổi Trẻ, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị vừa bắt giữ Nguyễn Phong Lục (54 tuổi, quê Hà Tĩnh),
Lục chính là đối tượng bị công an tỉnh Hà Tĩnh phát lệnh truy nã toàn quốc về hành vi Chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Phong Lục lúc bị bắt tại nhà nghỉ Thúy Hằng - Ảnh: báo Lao Động |
Báo VnExpress thông tin, năm 1996 Lục làm việc tại một đơn vị xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh. Lợi dụng vai trò của mình, ông ta đã chiếm đoạt hơn một tỷ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn.
Tháng 6/1996, công an tỉnh Hà Tĩnh phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Lục.
Trong suốt quá trình lẩn trốn, người đàn ông này vào miền Nam và phiêu bạt qua nhiều tỉnh thành. Trước khi bị bắt, ông ta ở tại TP. Hồ Chí Minh, khi nghe động tĩnh, Lục đã di chuyển về Bình Dương rồi Bình Phước với ý định lên các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục hành trình chạy trốn của mình.
Tuy nhiên, Lục đã bị Công an tỉnh Bình Phước bắt giữ khi đang ở trong nhà nghỉ Thúy Hằng trên quốc lộ 14, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng.
Hiện Lục đã được Công an tỉnh Bình Phước bàn giao cho công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra, xử lý.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)