Ngày 6/9, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa cấp cứu nam bệnh nhân 40 tuổi bị chảy máu não nguy kịch, theo tờ Tri Thức Trực Tuyến.
Người bệnh nặng 80kg, cao 1,70m, chỉ số khối cơ thể BMI là 27,7, có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị đều. Được biết, trước khi vào viện, bệnh nhân vẫn ngồi làm việc bình thường tại cơ quan. Anh bất ngờ thấy đau đầu rồi gục xuống ghế, miệng nôn trớ và được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện gần đó cấp cứu.
Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chảy máu não nguy kịch. Người bệnh được đưa đến Trung tâm Đột quỵ - Bênh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, huyết áp tăng rất cao cần dùng thuốc kiểm soát liên tục.
Các bác sĩ tiến hành chụp phim sọ não có dựng mạch xác định căn nguyên và đánh giá tổn thương để có chiến lược điều trị tối ưu. Kết quả chụp phim sọ não cho thấy tình trạng chảy máu toàn bộ não thất bên, não thất ba, não thất bốn gây giãn não thất cấp, gây tắc nghẽn sự lưu thông hệ thống não thất.
Bác sĩ Trung tâm đột quỵ cho hay, với mức độ tổn thương như vậy, bệnh nhân gần như chắc chắn sẽ tử vong nếu không can thiệp. Một cuộc hội chẩn đa chuyên khoa được triển khai nhanh chóng trong tua trực đêm và thống nhất quyết định phẫu thuật cứu bệnh nhân.
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh mở một mảnh sọ của bệnh nhân, sử dụng các dụng cụ đi từ ngoài thẳng vào trong não thất cố gắng lấy gần toàn bộ máu trong đó. Sau đó, các bác sĩ đặt một ống dẫn lưu máu từ não thất ra ngoài.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, bệnh nhân được đưa về hồi sức tích cực tại Trung tâm Đột quỵ. Sau 2 ngày, người bệnh tỉnh lại, đến ngày thứ 3 thì được rút ống thở, dẫn lưu não thất được rút vào ngày thứ 4. Hiện, sau 7 ngày phẫu thuật, người bệnh đã có thể đứng dậy, đi lại được tốt.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng ở Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, căn nguyên dẫn đến tình trạng chảy máu não nguy kịch như bệnh nhân trên chủ yếu là do tăng huyết áp, ăn nhậu, rượu bia nhiều dẫn đến béo phì, gây ra các bệnh lý chuyển hoá. Thêm vào đó, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không uống thuốc đều đặn.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý dẫn đến đột quỵ, chảy máu não…, mọi người cần loại bỏ đồ uống có ga, bia rượu, thuốc lá, tăng cường các loại rau xanh, trái cây, tập thể dục thể thao, đi bộ 30 phút mỗi ngày như đi thang bộ, đi dạo bộ... Người bệnh cần chủ động tầm soát sức khỏe thường xuyên, tầm soát và dự phòng nguy cơ gây đột quỵ, chảy máu não để từ đó phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Đinh Kim(T/h)