Báo Lao động dẫn lời ông Giàng A Sáy, Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái chiều 8/10 cho biết, một người đàn ông đã tử vong khi đang chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù.
Theo đó, khoảng 7 – 8h sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thanh T. (SN 1962, trú tại TP.Hải Phòng) tiếp tục hành trình leo lên đỉnh ngọn núi Tà Chì Nhù (cao 2.979 mét) sau 1 ngày đêm leo trước đó. Khi đến độ cao khoảng hơn 2.000 mét (gần đỉnh) người đàn ông đang ngồi nghỉ thì bất ngờ đổ gục xuống.
Người dẫn đường sơ cứu nhưng tình hình không tiến triển, nạn nhân được người dân địa phương hỗ trợ cáng, vận chuyển xuống núi.
Được biết, nạn nhân đi leo núi theo dạng tự do, cùng đi có 2 người phụ nữ và có 1 người địa phương dẫn đoàn. Đến sáng ngày thứ 2 của hành trình thì xảy ra sự cố.
Vục việc đang được cơ quan Công an huyện Trạm Tấu xác minh, làm rõ. Theo các thông tin ban đầu, nạn nhân đã lớn tuổi, lại có tiền sử huyết áp cao.
Ngọn núi Tà Chì Nhù là một phần của khối núi Phú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Đỉnh núi Tà Chì Nhù cao 2.979 mét, thuộc Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam và thường được ví như “nóc nhà Yên Bái”.
Theo báo Yên Bái, Tà Chì Nhù nổi tiếng với biển mây bát ngát lưng chừng trời. Nơi đây cũng là "vương quốc của nắng - gió" và đặc biệt nổi tiếng với loài hoa Chi Pâu tím ngắt các triền núi - điểm đặc biệt của ngọn núi mỗi độ thu về cuốn hút du khách, nhất là những người yêu thích trải nghiệm du lịch khám phá, mạo hiểm.
Đường lên "thiên đường mây” Tà Chì Nhù được đánh giá là cung đường trekking khó với địa hình nhiều núi đá và những con dốc liên tục, hùng vĩ, hiểm trở. Do đó, các vận động viên tham gia Giải ai cũng chuẩn bị thật kỹ về tinh thần, tâm lý, sức khỏe và các vật dụng cần thiết để sẵn sàng cho hành trình. Dù đã chuẩn bị tinh thần khá tốt song gặp cung đường bắt đầu bằng dốc cao, thẳng đứng là thử thách đầu tiên với các nhà leo núi không chuyên.
Báo VnExpress dẫn lời chị Hồng Phương, du khách Hà Nội vừa có chuyến chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù cho biết, đường lên đến đỉnh núi toàn dốc, hầu như không có "yên ngựa" (đoạn bằng), rất tốn sức với người lần đầu leo núi.
Sau khi hoàn thành chuyến đi, chị Hồng Phương chia sẻ một số kinh nghiệm, tư vấn đồ dùng cho những người muốn chinh phục các đỉnh núi. Chị Phương cũng cho hay tháng 10 là thời điểm đẹp ở Tà Chì Nhù vì hoa chi pâu tím đang nở rộ.
Hãy mua một đôi giày leo núi đế bám dính tốt (đế gai), rộng hơn 1 size so với cỡ chân bình thường, của các hãng nổi tiếng hoặc cửa hàng chuyên về đồ dã ngoại, không nên đi giày thể thao chạy đường thông thường.
Với chuyến đi 2 ngày 1 đêm, bạn nên sắm một chiếc ba lô trợ lực loại 15 - 20 lít. Chuẩn bị muối khoáng điện giải dạng viên nén cho vào chai nước uống hoặc ngậm dọc đường chống mất sức. Chai xịt hoặc viên uống chống căng cơ là những thứ cần thiết, bởi các dốc cao liên tiếp khiến người leo rất dễ bị chuột rút.
Tà Chì Nhù cuối thu se lạnh, bạn nên mang theo áo gió hoặc khoác nhẹ kèm một áo giữ nhiệt khi ban đêm trên lán nhiệt độ xuống khoảng 13 - 14 độ C. Thời tiết lạnh và khô nên cung trekking ít muỗi và hầu như không có vắt, song vẫn cần thuốc bôi hoặc xịt côn trùng.
Nếu đi theo nhóm, đoàn nên chia nhau mang đồ dùng để giảm trọng lượng ba lô của từng người. Ví dụ 5 - 6 người đi thì một nửa mang kem đánh răng, sạc điện thoại, số khác mang theo các loại thuốc cần thiết, trà gừng để cả đoàn dùng chung.
Nếu lần đầu leo núi, các thành viên cần rèn luyện thể lực bằng cách lên xuống cầu thang, đi bộ vài km mỗi ngày.
Vân Anh (T/h)