Từng lĩnh 23 năm tù về tội giết người thế nhưng ngay khi vừa ra tù, Ngô Công Tòa lại tiếp tục gây ra một vụ án mạng khác.
Báo Sài gòn giải phóng đưa tin, ngày 14/8, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Ngô Công Tòa (sinh năm 1953, ngụ huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) 13 năm tù về tội Giết người.
Bị cáo Ngô Công Tòa - Ảnh: Báo Sài gòn giải phóng |
Theo báo Vietnamnet, cáo trạng của TAND tỉnh Đắk Lắk xác định, ngày 31/10/2016, Tòa cùng các ông Nguyễn Đức Đi (SN 1972) và Huỳnh Lưu (chưa rõ lai lịch) đến quán bida để chơi.
Tại đây, Tòa gặp ông Trần Đình Sanh (SN 1954) và Võ Thanh Hợi (SN 1959) nên mời cả hai uống bia. Biết ông Hợi hay cá độ bida nên Tòa đã nhắc nhở. Khi Tòa ra về, ông Hợi và Lưu đánh bida cá độ, nếu ai thua thì mất 50 ngàn đồng.
Một lúc sau, Tòa quay lại quán bida thì thấy ông Lưu đưa 50 ngàn đồng tiền cá độ thua bida cho Hợi nên xông vào đánh ông này. Không dừng lại ở đó, Tòa dùng chân đạp vào bụng ông Sanh khiến nạn nhân ngã đập đầu xuống nền nhà và tử vong. Ngay sau khi gây ra cái chết cho ông Sanh, Tòa bị cơ quan công an bắt giữ.
Cũng theo cáo trạng, trước đó vào năm 1983 và 1984, Tòa phạm tội giết người và trộm cắp tài sản và bị tòa tuyên phạt 20 năm tù cho hai tội danh. Năm 1989, khi đang chấp hành án thì Tòa bỏ trốn và bị tuyên phạt thêm 3 năm tù giam tội trốn khỏi nơi giam giữ.
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)