Anh T.V.H (38 tuổi, quê An Giang) sau 2 thập kỷ, người đàn ông có thể đi lại bình thường mà không dùng nạng. Hai thập kỷ qua với anh H như một cơn ác mộng dài.
Chia sẻ về tình trạng của bản thân, anh H nhớ lại vụ tai nạn 20 năm về trước, khi đó bản thân anh chỉ vừa tròn 18, cái tuổi đẹp nhất đời người. Thế nhưng, khi đang di chuyển trên đường, không may anh gặp tai nạn nghiêm trọng. Vụ tai nạn khiến anh bị gãy cổ xương đùi.
Mặc dù được phẫu thuật kết hợp xương, tuy nhiên, sau khi tháo vít, chiều dài hai chân không đều nhau, dẫn đến dáng đi khập khiễng.
Ngoài ra, mặc dù các mảnh xương gãy của anh được sắp xếp lại gần như đúng với cổ xương đùi tự nhiên nhưng hệ thống máu nuôi tại đây đã bị tổn thương, không thể phục hồi. Điều này dẫn đến thiếu máu nuôi, làm chết dần tế bào xương, thay đổi cấu trúc xương, hoại tử và biến dạng chỏm xương đùi.
“Bác sĩ yêu cầu tôi phải thay khớp háng để khôi phục vận động. Tuy nhiên khi đó, tôi còn quá trẻ, không muốn thay khớp sớm nên đã từ chối. Để hạn chế tình trạng tổn thương, trong suốt 20 năm qua, tôi đã cố gắng chịu đau và hạn chế vận động. Tuy nhiên, bệnh vẫn không ngừng tiến triển”, anh H chia sẻ.
Cho đến 10 năm trước, người đàn ông không thể ngồi xổm hoặc đi lại nhiều, được chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi và có chỉ định thay khớp háng. Thời điểm đó, anh H được đề nghị thay khớp theo phương pháp truyền thống nhưng khuyết điểm là sau phẫu thuật, vẫn bị hạn chế một số tư thế sinh hoạt.
“Dù có phẫu thuật thay khớp hay không thì tôi vẫn không thể ngồi xổm, vắt chéo chân… Vì vậy, lúc đó tôi quyết định không thay khớp”, anh H nói.
Anh H đã trải qua hơn 20 năm năng động nhất của cuộc đời với dáng đi khập khiễng, đau khi đi lại và sinh hoạt khó khăn.
Thời gian gần đây, tình trạng đau khớp háng của anh càng nặng khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Thêm nữa, độ dài hai chân lệch nhau 2cm, tình trạng yếu cơ và khớp háng tặng nặng, gần như không thể hoạt động bình thường.
Người đàn ông 38 tuổi vẫn luôn đau đáu với hy vọng có lại đôi chân bình thường.
Tiếp nhận bệnh nhân, ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn cuối ở khớp háng bên trái, đã phát triển thành thoái hóa khớp háng thứ phát.
Các kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy người bệnh bị biến dạng chỏm xương đùi, hư ổ cối và mọc rất nhiều gai xương xung quanh.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thay khớp háng cho bệnh nhân bằng phương pháp SuperPath.
“Đây là một kỹ thuật mới với những ưu điểm như không cắt cơ và bao khớp, bảo tồn toàn bộ nhóm cơ xoay ngoài. Nhờ đó, người bệnh giảm đau nhanh, ít mất máu và nhanh chóng đi lại được. Trong quá trình phẫu thuật, các tổ chức xương hư hại, gai xương,… đều được loại bỏ, khôi phục giải phẫu tự nhiên của khớp háng và cân bằng lại chiều dài hai chân của người bệnh”, BS Học cho biết.
Ngày đầu tiên sau phẫu thuật, anh H có thể đi lại mà không cần dùng nạng, tình trạng chân thấp chân cao cũng được giải quyết. Người bệnh được giải phóng khỏi cơn đau khớp háng kéo dài dai dẳng hơn 20 năm, lần đầu tiên cảm nhận bước đi vững vàng kể từ khi xảy ra tai nạn.
Mộc Trà