Như đã thành thông lệ, chợ hoa Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào những ngày cuối năm luôn là địa điểm thu hút rất đông khách tới thăm quan và sắm Tết.
Chợ hoa Hàng Lược ra đời từ đầu thế kỷ 20, được mệnh danh là phiên chợ lâu đời nhất Hà Nội và mỗi năm chỉ mở một lần vào thời điểm giáp Tết.
Năm nay, chợ được chính thức khai mạc vào tối 10/1 để phục vụ người dân tới thăm quan, mua sắm dịp Tết cổ truyền Canh Tý (2020). Chợ nằm trên các tuyến phố: Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Mã và Phùng Hưng (đoạn từ phố Lê Văn Linh tới Hàng Cót) thuộc không gian khu Phố cổ Hà Nội.
Chợ diễn ra từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày, kéo dài đến ngày 24/1 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) với các ngành hàng như: quất cảnh tại ngã ba phố Hàng Rươi – Hàng Lược; hoa tươi và hoa đào tại khu vực phố Hàng Khoai và ngã ba phố Hàng Khoai – Hàng Lược; đồ giả cổ tại ngã năm phố Hàng Lược – Hàng Mã – Chả Cá – Thuốc Bắc – Hàng Rươi; hàng trang trí tại phố Hàng Mã.
Trong khu vực chơ hoa Tết, xe máy, ô tô không được lưu thông. Vỉa hè, lòng đường phố Hàng Lược trở thành nơi bán hàng của các tiểu thương với cây, hoa, đồ trang trí…
Những ngày diễn ra phiên chợ, nơi đây luôn tấp nập cả ngày. Nhiều người đến đây không phải chỉ để mua sắm mà còn muốn tìm lại không khí của những phiên chợ Tết xưa.
Hình ảnh người bán cầm cành đào nhỏ đi dọc phố mời khách mua rất dễ thấy khi đến đây. Mỗi cành có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng, tùy vào kích cỡ.
Hoa đào bán tại chợ đến từ nhiều nguồn khác nhau, đa phần trồng ở Nhật Tân và các huyện ngoại thành Hà Nội. Khác với chợ hoa Lạc Long Quân chuyên bán đào gốc với những cây có giá hàng chục triệu đồng, chợ Hàng Lược chủ yếu bán đào cành từ nhỏ tới vừa.
Bên cạnh đào và quất truyền thống, chợ hoa Hàng Lược còn bày bán đủ loại khác như: thủy tiên, lan,… Nhiều loại hoa nhập ngoại như tuyết mai năm nay cũng được bày bán để phục vụ người dân.
Bên cạnh các mặt hàng hoa tươi, các đồ dùng trang trí cũng được bày bán đa dạng để người dân thoải mái lựa chọn. Cô Hạnh (Hàng Mã, Hà Nội), một tiểu thương bán đồ trang trí tại đây, cho biết: “Cũng giống những năm trước, năm nay chơ Tết cũng bày bán đa dạng các loại vật dụng trang trí. Tôi bán hàng ở đây lâu năm rồi, tôi thấy năm nay sức mua rất khá, người dân năm nay sắm Tết sớm nên từ hôm mở bán hàng của tôi bán khá chạy. Hy vọng từ giờ đến cuối năm sẽ đắt hàng để tôi có thêm thu nhập cho gia đình”.
Khu vực bày bán đồ trang trí khu vực phố Hàng Mã.
Đồ trang trí Tết năm nay có thêm mặt hàng pháo giả gần giống hình ảnh những bánh pháo ngày xưa. Loại pháo này làm từ giấy cuộn tròn và nối với nhau bằng dây, có giá khoảng vài chục nghìn tùy kích thước. Các loại mô hình bánh chưng, bánh tét cũng được bày bán rộng khắp để người dân thoải mái lựa chọn.
Những loại hoa giấy, hoa lụa cũng được bày tràn ngập góc phố Hàng Lược giao Hàng Rươi. Người bán hàng tại đây cho biết, hoa giả được nhiều người ưa chuộng bởi có giá phải chăng lại bền, có thể trưng quanh năm trong nhà hoặc trên ban thờ.
Các mặt hàng mang hình ảnh linh vật con chuột, biểu tượng của năm Canh Tý (2020) được bày bán đa dạng và cũng rất được ưa chuộng.
Các loại quả vẽ chữ năm nay cũng được bày bán tại đây, giá từ 300.000 – 400.000 đồng/quả. Theo người bán, loại quả này có thể dùng để trưng bày đến nửa tháng.
Chị Mai, một người bán quất tại phiên chợ năm nay cho hay, càng những ngày cận Tết chị bán càng đắt hàng: “Tôi bắt đầu bán từ một tuần nay nhưng đến 20 tháng Chạp mới bắt đầu đông khách. Năm nay, những chậu quất bonsai cỡ nhỏ khá được ưa chuộng, giá từ 100.000-150.000 đồng. Các loại cỡ lớn cũng bán chạy hơn các năm trước”.
Nếu như một lần ghé qua phiên chợ năm nay, du khách sẽ không khó để bắt gặp những gương mặt vui vẻ vì hàng bán chạy của các tiểu thương nơi đây, khác hẳn với vẻ mặt ngao ngán vì tấp nập nhưng ế ấm của mấy năm về trước.
Bên cạnh việc mua sắm, nhiều du khách cũng dành thời gian để đến đây chụp ảnh, lưu lại không khí Tết tại phiên chợ cổ này.
Tào Đạt- Hoàng Yên