Thông tin từ Công an tỉnh Hà Nam, thời gian vừa qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thương vong về người và tài sản liên quan đến việc người dân đốt rơm, phơi thóc lúa, nông sản trên các tuyến đường giao thông.
Nói riêng trên địa bàn tỉnh Hà Nam chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch lúa vụ Xuân năm 2024, dự báo sẽ xuất hiện tình trạng người dân lấn, chiếm, sử dụng lòng lề đường để tuốt lúa, phơi nông sản (thóc, rơm rạ…), dùng gạch đá che chắn ngang đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo Công an tỉnh Hà nam, việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng tạo ra lượng khói lớn, làm ô nhiễm không khí, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến trật tự ATGT, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Không chỉ vấn nạn đốt rơm, rạ diễn ra phổ biến, tình trạng phơi thóc lúa tràn ra lòng đường cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động song những thói quen nguy hiểm này vẫn tái diễn mỗi khi đến mùa thu hoạch.
Để kịp thời ngăn chặn và phòng tránh các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra do các nguyên nhân nêu trên; Công an tỉnh Hà Nam đề nghị nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các nội dung sau:
Không phơi thóc lúa, rơm rạ và các sản phẩm nông sản trên các tuyến tỉnh lộ và đường liên thôn, xóm; đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Không để các vật che chắn, gạch đá, các vật dụng trên lòng, lề đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Không đốt rơm rạ và các vật khác gây cháy, hư hỏng kết cấu đường giao thông và ô nhiễm môi trường.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Nhà nước về công tác bảo đảm ATGT. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các địa phương thường xuyên đưa tin, bài trên hệ thống truyền thanh về các hành vi bị cấm, như: sử dụng lòng, lề đường để tuốt lúa, phơi thóc, phơi rơm, rạ và đốt rơm, rạ trên đường; phản ánh kịp thời các trường hợp vi phạm. Đối với trường hợp cố tình vi phạm, UBND xã, phường, thị trấn tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Công an cấp xã tăng cường, phối hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức không chấp hành, cố tình vi phạm. Đối với những trường hợp để xảy ra tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định Tội cản trở giao thông đường bộ.