Giải thích lý do đổ rượu vào miệng cháu bé hai tuổi, sau đó giật mạnh chai rượu ra khiến cháu gãy răng chảy máu, rồi nhét băng vệ sinh vào miệng cháu, đối tượng Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng hoặc mình, hoặc cháu bị “ma nhập” nên mới có hành động bất thường như thế.
Đối tượng Thanh tại cơ quan điều tra. |
Làm ơn mắc oán
Như báo PLVN đã phản ánh, theo lời kể của ông Nguyễn Văn Ước (ông nội của nạn nhân): vào chiều hôm trước, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (48 tuổi, trú tại khu Liên Minh, phường Minh Phương, TP.Việt Trì, Phú Thọ) nhờ ông và một người hàng xóm sang lấp hộ cái giếng nhưng suốt cả ngày hôm đó hai người làm mãi chưa xong. Vì vậy sáng hôm sau, bà Thanh tiếp tục nhờ ông Ước sang làm nốt.
Nể tình làng xóm, phần cũng đồng cảm trước hoàn cảnh “mẹ góa con côi” của bà Thanh nên ông Ước đã nhận lời giúp. Tuy nhiên, sáng hôm đó mọi người trong nhà đều đi làm nên ông Ước phải trông cháu nội là Nguyễn Thị Kim Liên (2 tuổi). Do đã nhận lời với người hàng xóm nên lúc đi ông đưa cả cháu Liên sang chơi và nhờ bà Thanh trông hộ.
Đến 10h30, ông Ước bận việc riêng cần phải đi nên vẫn để cháu nội cho bà Thanh nhờ để mắt hộ. Một lúc sau quay lại, ông bàng hoàng khi thấy cháu mình đang nằm bất động, trên người không một mảnh quần áo, miệng bị nhét một chiếc băng vệ sinh, trong miệng bê bết máu. Nhìn cảnh tượng thương tâm như vậy, ông Ước vội hô hoán mọi người đến giúp mình đưa bé đi cấp cứu.
Thấy vậy, Thanh ở trong nhà điên cuồng lao ra ngăn cản và cắn xé áo ông Ước. Phải rất khó khăn mọi người mới có thể ngăn giữ người đàn bà này để đưa bé Liên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.
Ông Ước bế cháu Liên tại bệnh viện. |
Ngay sau đó, ông Ước đã gọi điện thông báo vụ việc lên công an phường sở tại. Ít phút sau, Công an phường Minh Phương, Công an TP.Việt Trì đã có mặt tại hiện trường. Qua quá trình điều tra xác minh, cơ quan điều tra Công an TP.Việt Trì đã ra lệnh bắt giữ đối với Nguyễn Thị Kim Thành về trụ sở để phục vụ công tác điều tra.
Bị ma xui quỷ khiến?
Tại cơ quan điều tra, Thanh đã khai nhận, trong thời gian trông giữ bé Liên, không biết vì nguyên nhân gì mà bé lại cứ đuổi theo mình rồi nằng nặc đòi cho bú. Khi Thanh cương quyết không đồng ý, bé Liên đã khóc thét lên, mặc dù đã tìm mọi cách dỗ dành nhưng đứa trẻ vẫn không chịu nín.
Trong lúc bực tức, Thanh đã vớ chai rượu đang uống dở ở góc nhà đổ vào mồm cháu bé với ý nghĩ là Liên sẽ say và ngủ thì sẽ không khóc nữa. Nào ngờ, bị cho uống rượu cháu Liên càng khóc to hơn khiến Thanh càng bực mình. Tiếp đó, người đàn bà này đã dùng tay bóp mồm cháu bé để nhét chai rượu vào sau đó giật mạnh ra khiến cháu bé bị gãy răng chảy nhiều máu. Bé Liên bị đau càng gào khóc to hơn nên Thanh đã chạy vào nhà tắm lấy chiếc băng vệ sinh nhét vào mồm cháu bé.
Lý giải về những hành động tàn nhẫn của mình đối với bé gái hàng xóm, Thanh luôn miệng khẳng định, mình không cố ý làm như vậy, còn cho rằng dường như bản thân mình hoặc cháu Liên đã bị “ma nhập” từ đó xui khiến cả hai có hành động khác thường như vậy.
Được biết, bố cháu Liên mới đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan từ đầu năm, còn mẹ cháu đang làm công nhân may ở gần nhà. Nạn nhân vẫn thường xuyên sang nhà đối tượng Thanh chơi và chưa từng xảy ra chuyện tương tự như vậy.
Còn về Thanh, hiện đang sống cùng con gái đang học lớp 12. Mới đây, Thanh phát hiện mình bị bệnh ung thư, vì thế theo quan sát của những người hàng xóm tính tình người đàn bà này cũng có nhiều thay đổi.
Ông Ước kể lại: “Tôi thấy từ ngày bà Thanh phát hiện mình có bệnh thì bà ấy trở nên khác thường và có biểu hiện mê tín, bà còn mời cả thầy về nhà để cúng. Hôm trước bà ấy bảo giếng “bị động” nên nhờ tôi sang lấp hộ. Chắc tâm lý bà ấy bị ảnh hưởng nên mới hành xử như vậy, tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm làm rõ, xử lý đúng tội mà bà Thanh đã gây ra”.
Cháu bé sẽ bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng
Về phần bé Liên sau khi được sơ cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã được chuyển xuống điều trị tại bệnh viện Nhi (Hà Nội). Theo kết quả ban đầu nạn nhân nhập viện trong tình trạng: hôn mê sâu, gãy 4 chiếc răng cửa, xuất huyết võng mạc trái, bầm tím thành ngực hai bên, trên người có nhiều vết bầm tím khác…
Tuy nhiên, do được sự quan tâm, chăm sóc kịp thời của các bác sĩ bệnh viện nên đến tối cùng ngày bé Liên đã tỉnh lại. Mặc dù vậy, nạn nhân vẫn không thể nói chuyện, vẻ mặt luôn tỏ ra sợ sệt, tinh thần vẫn hoang mang.
Liên quan đến tình trạng tâm lý của cháu Liên, một bác sĩ tại Bệnh viện Nhi cho biết: Các chấn thương về phần mềm của cháu Liên thì hoàn toàn có thể hồi phục. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là những tổn thương về tâm lý, cháu bé còn quá nhỏ mà đã phải hứng chịu những hành động quá dã man, những hình ảnh này có thể đeo bám bệnh nhân cả đời.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 25/9, cơ quan điều tra Công an TP.Việt Trì đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Kim Thanh về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Hiện tại, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Điều 104 Bộ luật Hình sự: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11\% đến 30\% hoặc dưới 11\% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. |
Điều 110 Bộ luật Hình sự: 1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b) Đối với nhiều người. |