(ĐSPL) - Chợ “âm phủ” họp từ 0h đến rạng sáng ở TP. Phủ Lý, Hà Nam. Người đi chợ chủ yếu là phụ nữ, họ đến từ khắp các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định...
Nửa đêm đi họp chợ
Từ nhiều năm nay, tại đường Biên Hòa, TP. Phủ Lý xuất hiện một khu chợ rất đặc biệt và được gọi với một cái tên rùng rợn: Chợ “âm phủ”, “chợ ma”.
Chợ bắt đầu họp từ 0h, đây là một trong những chợ đầu mối lớn cung cấp các mặt hàng nông, thực phẩm đến các chợ nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh. Khi mọi người đang say giấc ngủ bên người thân, thì những tiểu thương ở chợ “âm phủ” đã bắt đầu một phiên chợ mới vì miếng cơm manh áo hàng ngày.
Phiên chợ “âm phủ” độc nhất ở miền Bắc được bắt đầu từ lúc 0h và kết thúc lúc rạng sáng của một ngày. |
Khoảng 30 phút từ lúc đồng hồ điểm sang ngày mới, các gian hàng tạm bợ ở chợ “âm phủ” đã được dựng lên để bắt đầu một phiên chợ. Một điều đặc biệt ở chợ này đó là cảnh mua bán diễn ra rất nhanh chóng và trật tự, rất ít khi diễn ra cảnh mặc cả về giá. Bởi nguyên nhân cũng là vì các lái buôn đã quen mặt nhau và thuộc giá trên thị trường hàng ngày.
Nửa đêm, cả một đoạn đường dài trước cổng chợ nhộn nhịp người và xe ra vào. Các loại xe tải lớn nhỏ, cùng hàng trăm thương lái đến từ nhiều vùng lân cận như Bình Lục, Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng (Hà Nam) rồi cả những cánh lái buôn ở xa đến như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Họ bắt đầu tụ họp và nhanh chân kiếm tìm cho mình một chỗ đứng.
Giải thích về khoảng thời gian họp chợ tại sao lại diễn ra lúc 0h, rồi vãn dần lúc tờ mờ sáng, nhiều người dân địa phương nơi đây cho biết chợ họp sớm như vậy để ban ngày còn bận việc đồng áng. Bác Hà (58 tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam - một thương lái bán hàng rau ở chợ đêm) cho biết: “Tôi làm nghề đi buôn hàng rau ở chợ đêm Phủ Lý này đã hơn năm năm nay rồi, một năm 365 ngày (trừ đêm 30 Tết nguyên đán là chợ không họp) thì hầu như ngày nào tôi cũng có mặt tại phiên chợ đêm này. Đi chợ đêm lâu rồi thì cũng thành quen, bây giờ nếu bị ốm mà vắng chợ một buổi là lại thấy nhớ! Một phiên chợ tôi cũng bán được hơn một tấn rau xanh cho các lái buôn nhỏ lẻ đem về tiêu thụ ở các chợ khác”.
1h30 sáng thường là lúc chợ “âm phủ” nhộn nhịp và đông nhất. Chị Hoa, một lái buôn chia sẻ: “Đêm nào tôi và chồng cũng đến chợ “âm phủ” để lấy nông phẩm về quê bán. Trừ đêm giao thừa thì hầu như không có phiên chợ nào mà tôi vắng mặt, kể cả ngày mưa rét mướt. Đi chợ đêm nhiều thành quen, tất cả cùng vì cuộc sống mưu sinh”.
Hình ảnh vội vã chạy hàng của các lái buôn, những giọt mồ hôi kèm nụ cười của người bán đắt hàng, vẻ mặt ngái ngủ của người có phiên chợ ế... như tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, thấm đượm nỗi vất vả mưu sinh của những người nông dân lúc nửa đêm.
10 năm làm cửu vạn chốn “âm phủ”
Có mặt tại chợ “âm phủ” lúc nửa đêm mới thấy thấm thía được nỗi cơ cực của những con người vì kiếp mưu sinh phải lấy đêm làm ngày.
Chị Trần Thị Hoài, quê ở Nam Định, vừa dọn hàng vừa quệt ngang những dòng mồ hôi đang lăn trên khuôn mặt khắc khổ chia sẻ: “Buôn bán như thế này vất vả lắm! Chẳng khi nào biết đến giấc ngủ đêm là gì. Nhưng vất vả mấy rồi cũng phải cố gắng mà làm thôi. Cố gắng kiếm lấy đồng ra đồng vào để còn lo cho con cái nó ăn học”.
Xem thêm video: 'Thiếu gia Hà thành' mang đô la âm phủ, lừa lái xe taxi.
Ở chợ “âm phủ”, ngoài những người lái buôn thì còn có những đội quân cửu vạn chuyên đi bốc vác thuê và sắp xếp hàng cho các chủ đến mua hàng. Không chỉ có cánh đàn ông sức dài vai rộng mới làm những công việc này; những người phụ nữ chân yếu tay mềm cũng phải gia nhập đội ngũ bốc vác tại đây. Những người phụ nữ ấy cũng thức đêm triền miên, oằn lưng, đổ mồ hôi bốc vác hàng tấn hàng hóa.
Chợ bắt đầu họp thì công việc của những người bốc vác cũng bắt đầu cho đến tận sáng ngày hôm sau. Vất vả nặng nhọc, đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng mỗi đêm họ cũng chỉ được trả từ 70 - 100 nghìn đồng. Còn tùy vào lượng khách và công việc mà họ được thuê, có đêm làm mãi chẳng hết, nhưng cũng có đêm chợ ế thì chẳng kiếm được đồng nào.
Có người mới chỉ 25 - 26 tuổi mà cũng đã có thâm niên gần 10 năm trong nghề cửu vạn. Tuổi trẻ, với những niềm mơ ước lớn lao hoài bão của họ cũng trôi qua cùng những những giọt mồ hôi trong đêm trắng nhọc nhằn lam lũ.
Bóng đêm cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro rình rập. Chuyện vì mệt quá ngủ quên mà bị kẻ gian “mượn” mất cái xe vẫn thường xảy ra. Rồi có những lúc thức trắng đêm mà không bán được gì, không được ai thuê bốc vác. Đối với những người lao động này, đó mới thực sự là những “đêm trắng”.
Trời dần dần về sáng, phiên chợ cũng thưa dần những thương lái. Phía xa xa lại xuất hiện những bóng dáng người, những mặt hàng khác. Có những người thức trắng đêm, tham gia hai phiên chợ, họ cố gắng kiếm thêm chút ít để cuộc sống tươm tất hơn.
Bức tranh đa sắc màu giữa màn đêmChợ “âm phủ” - một bức tranh đa sắc, đa góc cạnh về những mảnh đời mưu sinh trong tăm tối của màn đêm: Từ những đứa trẻ đến những cụ già, từ những con người sành sỏi trong kinh doanh cho đến những người lao động chỉ mới tập tành vào phường buôn bán. Có nhiều người đã thành đạt, giàu có từ đây, nhưng cũng có không ít người phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để mưu sinh kiếm sống qua ngày đoạn tháng. Dù họ là ai, là một chủ hàng hay người nông dân cửu vạn cần cù chấ́t phaác thì họ đều có chung nỗi nhọc nhằn là cơm áo gạo tiền. |
HẢI SƠN