"Rổ rá cạp lại", rồi "con anh, con tôi, con chúng ta"... là cách và vấn đề mà người đời thường treo ở cửa miệng mỗi khi nói về những người phải "đi bước nữa".
"Rổ rá cạp lại" là cái câu ác mồm nhất mà tôi vẫn thường nghe khi người ta nói về những người bước về phía “hạnh phúc lần nữa”. Dù được đặt trong ngữ cảnh nào thì nó cũng độc ác và thiếu tình người. Nó thể hiện sự phán xét, chứ không còn là nhận xét. Nó đánh giá người khác, hôn nhân của người khác một cách rẻ rúng và "bề trên". Tôi không biết khi họ nói ra câu đó liệu họ có thấy gai độc trên lưỡi họ không???
Ảnh minh họa. |
Những người đàn ông kẻ cả vốn là “tín đồ” của tư tưởng coi vợ như y phục, bằng hữu mới là máu thịt. Họ nói vậy tôi có thể hiểu, bởi trong mắt họ vốn là vậy, chỗ họ đứng vốn là dưới đáy giếng nên bầu trời chỉ toen hoẻn một nắp vung. Họ luôn có cả tá lời ác độc dành cho những người vợ "dám" bỏ chồng. Phần đa là để "dằn mặt" vợ mình liều liệu mà ở lại với họ nếu không muốn bị thiên hạ nói là thứ phụ nữ chả ra gì. Phần còn lại là nói theo các cụ mà chả hiểu mô tê gì.
Nhưng những người phụ nữ thì sao? Họ có phải là đệ tử chân truyền theo học thuyết "nhất nam viết hữu - thập nữ viết vô" đâu sao họ coi rẻ những người phụ nữ khác thế? Sao nanh nọc thế, ác mồm thế với những người phụ nữ "dám" bỏ chồng? Rồi khinh miệt rằng: "Phường rổ rá cạp lại" với những hôn nhân của người khác?
Có câu đùa tếu (mà ác) rằng: "Anh ơi, con anh, con em đánh con chúng ta". Đùa thế mà thương lũ trẻ. Những đứa con từ nhỏ bị nhồi nhét hai chữ "dì ghẻ" mà bất hợp tác với mẹ kế của mình. Những đứa con xấu hổ khi người lớn nói bố mẹ chúng là "rổ rá cạp lại". Những đứa con ấy mơ một điều giản dị thôi là mẹ ruột hay mẹ kế vẫn là mẹ- một lòng kính ngưỡng yêu thương. Chứ không phải hứng chịu thêm những lời bông đùa ác độc hay những lời phán xét từ người lớn.
Chẳng ai muốn hôn nhân của mình phải kéo đến tập 2, tập 3. Ai mà không mơ cưới một lần duy nhất trong đời, cưới một chồng, một vợ duy nhất trong đời. Chỉ là bởi hôn nhân thì mong manh, nhưng hôn nhân lại nhiều đòi hỏi. Mong manh là dễ vỡ, dễ gãy, dễ mất. Kể cả đòi hỏi có giản đơn là chồng đừng vô tâm, thờ ơ, lạnh lẽo. Thì cũng góp phần khiến hôn nhân dễ vỡ hơn bao giờ hết.
Hôn nhân mà "đồng sàng dị mộng" (chung giường khác giấc mơ) hay hai người dưng sống chung nhà thì đó có còn là hôn nhân không? Cuộc đời này vốn chả nhiều nhặn gì cho cam sao để hôn nhân chết lâm sàng như vậy? Bao nhiêu người cứ vậy mà sống, nhốt ham muốn được hạnh phúc lần nữa vào sâu trong ngực chỉ vì nếu nói ra sẽ lại bị người thân nói câu “Rổ rá cạp lại”. Tôi thực không biết. Thực muốn rằng mình không biết một ai như thế!
Bởi tôi vẫn tin vào việc người ta có thể hạnh phúc thêm một lần nữa, bất kể họ đã từng hạnh phúc lần nào trước đó chưa, hoặc đã từng hạnh phúc hay đã từng tưởng rằng mình là người hạnh phúc nhất.
Những người vì yêu si mê mà cưới rồi cưới về si ấy, mê ấy thành ngu si - thành mê lộ không lối thoát. Những người ngày cưới tin rằng đó là lần duy nhất trong đời của họ vậy mà nửa đường đứt gãy. Nhiều lắm chứ những người như thế. Để rồi "big bang"- cú nổ lớn tan hoang. Như con chim từng suýt chết, sợ cả ngọn gió thoảng qua, đậu vào cành hơi cong đã sợ hãi, quên mất rằng mình có một đôi cánh để bay lên cao, chỉ loay hoay với cành cây dưới chân mình mong manh yếu ớt.
Thế nên với những người dám bước ra khỏi một cuộc hôn nhân đã không còn sức sống để tìm một hạnh phúc mới, xin người đời đừng bất công với họ nữa. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình khuyết, vừa được đầy đặn lại, xin đừng tiêm vào đầu con những lời cay độc.
Bởi tôi tin vào việc người ta có quyền mưu cầu hạnh phúc, tin thêm lần nữa vào hạnh phúc lần nữa. Chứ không phải cứ lần lữa với hạnh phúc đời mình, chỉ bởi một câu ác độc: Rổ rá cạp lại.
Hoàng Anh Tú