Kiểm tra tại lô 1, khoảnh 3, tiểu khu 67, thuộc thôn Trung Chải, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), lực lượng chức năng phát hiện một cây bị chặt hạ bằng cưa xăng chỉ còn gốc cao 70cm, đường kính gốc 40cm.
Tiến hành điều tra, cơ quan chức năng huyện Bát Xát xác định, ngày 20/11, ông P.M.X. nhà ở thôn Sín Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát đã nhờ ông S.C.G. nhà ở thôn Mò Phú Chải mượn của ông L.X.L. chiếc cưa xăng để cắt cây phong ba nói trên về làm củi sấy khô dược liệu.
Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát đã lập biên bản và tạm thời thu giữ chiếc cưa xăng, đồng thời mời ông L.X.L. đến trụ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên huyện Bát Xát để làm việc cụ thể, từ đó có căn cứ phối hợp với UBND xã Dền Sáng xử lý theo quy định pháp luật.
Khu Bảo tồn thiên nhiên huyện Bát Xát cho biết cây gỗ bị cưa làm củi đã bị chết khô, chưa xác định được loại gỗ, nằm trên khu đất trống không có cây rừng thuộc chức năng đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bát Xát và Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát quản lý.
Thông tin cây phong ba nổi tiếng, vốn thường xuyên xuất hiện trong những bức ảnh của du khách khi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn bị đốn hạ đang được đặc biệt quan tâm.
Trao đổi trên VietNamnet, chị Hồng Khanh (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đã sốc khi nghe thông tin cây phong ba trên đỉnh Lảo Thẩn bị đốn hạ. Tôi vừa tới đây tham quan, chụp ảnh vào ngày 19 - 20/11. Đây thực sự là địa điểm ấn tượng trong hành trình chinh phục Lảo Thẩn".
Từng tới chinh phục Lảo Thẩn vào năm 2019 và 2021, chị Huyền Nguyễn (Hà Nội) không giấu được sự tiếc nuối, thậm chí bức xúc khi cây phong ba biểu tượng của Lảo Thẩn bị đốn hạ.
“Vài năm qua, cây phong ba này nổi tiếng với du khách khắp trong nam ngoài bắc, vậy tại sao chính quyền địa phương không có biện pháp bảo vệ? Cây phong ba này không chỉ đẹp mà còn có sức sống phi thường”, chị Huyền chia sẻ.
Sốc, tiếc nuối không chỉ là tâm trạng của chị Khanh, chị Huyền mà còn là tâm trạng của rất nhiều du khách Việt khi nghe thông tin cây phong ba Lảo Thẩn “biến mất” đột ngột.
Thủy Tiên (T/h)