Khi biết có một đường dây điện 35KV sẽ được xây dựng, hơn 200 hộ dân của bản Chăm Puông vô cùng mừng rỡ. Thế nhưng nhiều năm trôi qua, đường dây điện đã xong và đưa vào hoạt động, bản miền núi này vẫn phải sống tù mù trong ánh đèn dầu và nuôi hy vọng sẽ có điện dùng trong tương lai.
Các cô giáo điểm trường Chăm Puông, Trường Tiểu học Lượng Minh phải dùng điện thoại soi đèn nấu cơm tối. Ảnh: Internet |
Đề xuất hoài, điện vẫn xa vời
Thực trạng trên là ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, một trong những bản khó khăn của huyện Tương Dương (Nghệ An). Muốn có điện dùng người dân phải tận dụng sức nước khe suối chạy tuốc bin để lấy điện thắp sáng.
Ông Cụt Văn Nam (SN 1960) cho biết, từ lúc sinh ra, gia đình ông không biết ánh sáng điện là gì. Cách đây 3 năm, ông và người dân nghe tin sẽ có một đường dây điện 35KV được xây dựng, chạy ngay trên đầu nhà dân thì ai cũng vui mừng. Thế nhưng, hiện tại điện vẫn chưa về bản. “Mọi người cứ nghĩ họ làm đường dây điện thì sẽ kéo về cho chúng tôi luôn, nhưng sau đó mới biết đường dây này không phải phục vụ cho dân bản. Chờ mãi không thấy có điện nên tôi đành phải đầu tư mua tuốc bin về đặt ở khe suối”, ông Nam trăn trở.
Lắp một tuốc bin tốn gần 3 triệu đồng, nhưng chỉ dùng để thắp sáng cho 1 bóng đèn tiết kiệm điện. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều gia đình không kịp đem tuốc bin vào đã bị nước suối cuốn trôi. Theo ông Ngân Văn Mai, Trưởng bản Chăm Puông, bản có 210 hộ dân, có tới 142 hộ nghèo. Người dân trong bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Vì vậy không phải ai cũng đủ tiền để mua tuốc bin phát điện. “Chưa có điện lưới nên đời sống của bà con dân bản gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi. Tội nhất là các cháu nhỏ, tối đến ánh điện tù mù không thể học được”, ông Mai nói.
Theo Trưởng bản Chăm Puông, trong những cuộc tiếp xúc cử tri các cấp, người dân đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng, song cũng chỉ nhận được lời hứa hẹn từ năm này sang năm khác. Mấy năm trở lại đây, người dân chán nản không muốn kiến nghị nữa. Vì vậy, cứ chiều tối mọi người lại tranh thủ nấu cơm để ăn sớm, rồi đi ngủ với mục đích tiết kiệm năng lượng.
“Cách đây 3 năm, đường điện được xây dựng, chạy qua nóc nhà của dân, ai cũng nghĩ sắp có điện dùng rồi. Đến nay đường điện 35KV này đã đưa vào sử dụng, dân bản chúng tôi vẫn không có điện để dùng. Vì sao ở những nơi khác có rồi mà bản chúng tôi sống giữa hai công trình thủy điện lớn nhất tỉnh Nghệ An lại không có?”, ông Mai thở dài.
Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, xã chỉ cách trung tâm huyện khoảng 15km, nhưng rất nhiều bản chưa có điện. Đường điện 35KV chạy qua Chăm Puông và Minh Thành, nhưng cả hai bản này vẫn chưa có điện. Phía chính quyền đã đề xuất được làm hai trạm hạ thế để hai bản này có điện, tuy nhiên không được chấp nhận. Dù biết dân khổ sở khi không có điện sinh hoạt nhưng chính quyền xã cũng bó tay vì không thể làm được gì hơn”, ông Phúc nói.
Dự án đã có, vẫn phải chờ... vốn
Ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, bản Chăm Puông là 1 trong 24 bản chưa có điện lưới của huyện Tương Dương. Vừa qua, huyện này đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị này có hứa theo lộ trình đến năm 2020 sẽ cố gắng làm xong. “Phía huyện cũng mong ngành điện sớm triển khai lắp đặt các trạm hạ thế để người dân bản Chăm Puông, xã Lượng Minh sớm có điện sử dụng, chứ đường dây 35kV thì đi qua trên đầu người dân địa phương đã lâu lắm rồi. Họ cũng hứa sẽ làm sớm nhưng hiện năm 2019 đã gần hết, không biết khi nào thì mới có thể triển khai”, ông Ót nói.
Liên quan đến sự việc, ông Trịnh Phương Trâm, Giám đốc công ty Điện lực Nghệ An cho biết, bản Chăm Puông nằm trong dự án của Nhà nước về cấp điện cho các thôn, bản thuộc miền núi và hải đảo. Được biết, dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ điện lưới Quốc gia tỉnh Nghệ An được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2014 đến năm 2016 ưu tiên cấp điện ở các hạng mục cấp bách, mục tiêu đưa điện đến toàn bộ trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020, mục tiêu đưa điện về 233 thôn bản với 18.214 hộ dân có điện. Tổng mức đầu tư của dự án là 782 tỷ đồng, trong đó 85% số vốn từ ngân sách Nhà nước cấp hàng năm và 15% vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
“Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành xong giai đoạn 1, thực hiện đưa điện về 100% trung tâm xã trên địa bàn tỉnh. Do bản nằm trong kế hoạch giai đoạn 2 của dự án nên hiện phải chờ nguồn vốn”, ông Trâm nói. Tuy nhiên, ngày 12/6 vừa qua đã có quyết định việc chuyển giao chủ đầu tư sang Ban quản lý lưới điện thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Vì vậy, việc xây dựng giai đoạn 2 đang bị đình trệ, chưa thể thực hiện.
Trao đổi về việc này, đại diện sở Công Thương Nghệ An cho biết, tổng nguồn vốn cần để triển khai giai đoạn 2 của dự án này lên tới 575 tỷ đồng cho nên không thể thực hiện ngay được. Định hướng của ngành điện sẽ ưu tiên thôn bản nào làm trước thì sẽ làm dứt điểm luôn.
Nghệ An: Gần 200 thôn bản chưa có điện lưới Quốc gia Toàn tỉnh vẫn còn 185 thôn bản chưa có điện lưới Quốc gia, tập trung chủ yếu tại các huyện Kỳ Sơn (89 thôn, bản), Tương Dương (24 thôn bản), Quế Phong (24 thôn bản), Quỳ Châu (29 thôn bản), Con Cuông (5 bản), Thanh Chương (4 thôn bản), Anh Sơn (5 thôn bản). Dự kiến trong giai đoạn 2018 - 2020, Trung ương sẽ phân bổ cho Nghệ An khoảng 30 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện dự án, tập trung ưu tiên cho các thôn bản nằm gần lòng hồ thủy điện và những thôn bản có đường dây trung thế chạy qua nhưng chưa có điện. |
Anh Ngọc
Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật Chủ nhật số 43