(ĐSPL) - Liên quan đến việc thời gian gần đây lâm tặc, tội phạm liên tục tấn công lực lượng kiểm lâm, công an, người thi hành công vụ bằng những hành động phản cảm. Xung quanh vấn đề trên, PV báo ĐS&PL trao đổi với tiến sỹ luật học Vũ Thu Quyên, Học viện Báo chí & Tuyên truyền về giải pháp để hạn chế các vụ tấn công gây thương tích cho cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Hành vi ngày càng thể hiện sự mất nhân tính
Thưa tiến sỹ, mới đây tại Lâm Đồng, có vụ hơn 20 đối tượng hành hung, bắt cán bộ kiểm lâm quỳ, ngoài chống đối, hành vi của chúng còn chứa đựng gì nữa?
Tình trạng lâm tặc chống đối, đe dọa, uy hiếp và tấn công lực lượng quản lý bảo vệ rừng, trong đó có cán bộ kiểm lâm đã khá nhức nhối trong những năm gần đây. Theo tôi, ngoài một số đối tượng cộm cán đứng ra chặt phá, buôn bán vận chuyển gỗ trực tiếp chống đối cán bộ kiểm lâm thì chúng còn lôi kéo một số người dân tham gia hành vi vi phạm pháp luật này. Những người này do nhu cầu mưu sinh, do hạn chế về nhận thức nên khi bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động, xúi giục dễ nảy sinh hành vi chống người thi hành công vụ cùng với bọn tội phạm. Trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân còn thấp, dẫn tới tình hình chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, tội phạm hoạt động liều lĩnh với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bên cạnh đó, có một số người dân hiểu biết pháp luật nhưng coi thường pháp luật cũng là đối tượng bị lâm tặc dụ dỗ. Hành vi bắt cán bộ kiểm lâm quỳ thể hiện sự mất nhân tính của tội phạm.
Trước đây, tội phạm thấy cán bộ thường bỏ chạy – tức là thể hiện sự sợ sệt, thời gian gần đây, chúng liều lĩnh manh động hơn? Ý kiến của tiến sỹ về điều này?
Từ những vụ việc chống người thi hành công vụ vừa qua có thể thấy rằng, diễn biến hoạt động của tội phạm này ngày một phức tạp. Trước đây, lâm tặc sợ lực lượng thực thi pháp luật. Nhưng gần đây, khi phát hiện cán bộ, chúng đã dùng hung khí chống trả quyết liệt. Còn nếu thấy đông, chúng thực hiện “chính sách ruồi bâu” nhằm tạo áp lực, chống đối quyết liệt, đợi cơ hội cướp lại số “hàng” đã bị phát hiện thu giữ. Còn tội phạm chở “hàng cấm”, ma túy thì tông xe vào công an để thoát thân.
Nguyên nhân của việc tội phạm gia tăng hành vi chống người thi hành công vụ là do lợi nhuận từ việc mua bán, vận chuyển hàng cấm, ma túy, lâm sản rất lớn nên chúng đã bất chấp pháp luật. Mặt khác, do khung hình phạt xử lý các đối tượng vi phạm luật Bảo vệ - Phát triển rừng hiện nay còn quá nhẹ nên lâm tặc ngày càng “nhờn thuốc”. Thực tế, thời gian qua, việc xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ chưa được nghiêm nên chúng “nhờn thuốc” và vô hình trung “tiếp tay” cho chúng manh động, liều lĩnh hơn.
Cần “bàn tay sắt” để ngăn chặn sự cấu kết giữa lâm tặc và băng nhóm tội phạm
Theo tiến sỹ, ngoài lý do về lợi nhuận, vì sao thời gian qua tội phạm chống người thi hành công vụ thực hiện hành vi chuyên nghiệp hơn?
Có thể nói rằng, lợi nhuận trong việc khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản, ma tuý, “hàng cấm” khiến không ít các đầu nậu không dễ bỏ “hàng” khi bị phát hiện và bắt giữ. Điều này khiến cho các đầu nậu “đi đêm” với cán bộ, làm tha hoá cán bộ. Khi chúng không tha hoá được cán bộ thì thực hiện hành vi liều lĩnh, nguy hiểm là “bắt tay” với các băng nhóm tội phạm khác.
Hậu quả của hành vi chống người thi hành công vụ là cán bộ bị thương vong, vậy theo tiến sỹ, giải pháp cấp bách để chặn đứng những hành vi vi phạm pháp luật này là gì?
Để bảo vệ cán bộ thực thi nhiệm vụ, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng thực thi pháp luật và các ngành liên quan; xử lý nghiêm minh những đối tượng bao che, tiếp tay và trực tiếp tham gia chống người thi hành công vụ dù là ai. Đối với các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng, ngoài việc động viên cán bộ, nhân viên làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, cần tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để lực lượng bảo vệ rừng yên tâm công tác, gắn bó với công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Điều quan trọng hơn, khi cán bộ đang thi hành nhiệm vụ, nhận thấy tội phạm có hành vi chống đối cần báo về cho cơ quan cử cán bộ hỗ trợ. Ngay khi nhận được tin báo, cơ quan chủ quản cần chủ động báo cho công an địa phương phối hợp điều tra, bắt giữ. Có như vậy mới tạo được thế gọng kìm làm cho sự kết hợp giữa các nhóm tội phạm giảm. Sự có mặt của lực lượng công an ngay từ thời điểm đầu tiên tội phạm thực hiện hành vi chống đối rất quan trọng... Nó chính là “bàn tay sắt” chặn sự hợp tác phi pháp của chúng.
Trân trọng cảm ơn tiến sỹ!
NGUYỄN BẮC - PHẠM DƯƠNG - QUANG SƠN
[mecloud]Gqd6Mn4Bsr[/mecloud]