(ĐSPL) – "Khi phát hiện vi phạm trên camera, CSGT sẽ dùng bộ đàm gọi trực tiếp cho đơn vị ra xử lý ngay, khi ấy đã có màn hình sao chụp lại", Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Hà Nội cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về dự án lắp đặt hàng trăm camera ghi hình phạt vi phạm giao thông trên các tuyến phố và tiến hành xử phạt nguội các phương tiện vi phạm, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, giai đoạn 1 của dự án sẽ được đầu tư 231 tỷ đồng.
Hình ảnh vi phạm lưu trữ được 2- 3 tuần
Hiện nay, chiến dịch lắp camera để ghi hình và xử lý vi phạm đối với các phương tiện tham gia giao thông đã được thực hiện đến đâu, thưa Đại tá?
Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội. |
Dự án lắp đặt camera ghi hình các xe vi phạm giao thông là dự án của UBND thành phố giao cho Sở GTVT để nâng cấp trung tâm chỉ huy đèn giao thông của phòng giao thông, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Hiện tại, chúng tôi lắp đặt dự kiến giai đoạn 1 là 300 camera để đo đếm toàn bộ lưu lượng phương tiện, 50 camera để theo dõi toàn bộ hoạt động về giao thông và 100 camera để xử phạt những hành vi vi phạm về luật giao thông.
Cả 3 loại hình này đều có hiệu quả lớn trong công tác của Trung tâm Chỉ huy đèn, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Vậy tổng mức đầu tư cho dự án này là bao nhiêu thưa ông?
Chỉ tính riêng giai đoạn 1 thì tổng mức đầu tư cho dự án này là 231 tỷ đồng.
Tôi đã trực tiếp có dịp đi thăm quan các nước Anh, Đức, Pháp… Ở đây, người ta đã áp dụng phương pháp này từ rất lâu rồi. Tại các nước này, người ta có trung tâm rất lớn chỉ huy điều hành tất cả và có 42 người điều hành, trong đó trung tâm khai thác giai đoạn 1 của chúng ta có khoảng gần 30 người điều hành.
Hy vọng với mức đầu tư như thế này, chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống đồng bộ và hiện đại giống các nước tiên tiến trên thế giới. Thậm chí ở nước ngoài, người ta còn công khai những những điểm có lắp camera để người tham gia giao thông được biết.
Sau một thời gian áp dụng hệ thống camera ghi hình xe vi phạm và tiến hành xử phạt nguội thì đâu là ưu điểm nổi bật của dự án này, thưa ông?
Một khi đã sử dụng máy móc thì độ công bằng cao, không bị mất công sức nhiều của lực lượng.
Khi phát hiện vi phạm trên camera, lực lượng cảnh sát giao thông dùng bộ đàm gọi trực tiếp cho đơn vị ra xử lý ngay, khi ấy đã có màn hình sao chụp lại, nhìn thấy rõ hành vi vi phạm của phương tiện. Và khi đã mời người vi phạm về trụ sở để phạt thì hệ thống camera đã quay chụp được hình ảnh làm bằng chứng, có thể lưu trữ được từ 2-3 tuần.
Ngoài ra, ưu điểm nổi bật nữa là camera giám sát tất cả hành vi vi phạm trên đường, có tác dụng giúp lực lượng cảnh sát giao thông chủ động trong công tác chỉ huy điều khiển giao thông và giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp liên quan đến vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Việc lắp camera này còn có tác dụng giúp phát hiện các đối tượng như đua xe trái phép, tội phạm, cướp giật, trộm cắp bằng phương tiện giao thông. Hay như cả các đám đông, những nơi tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng cũng được phát hiện để CSGT có thể chủ động phối hợp với công an phường giải quyết.
Đặc biệt là đối với các vụ tai nạn giao thông khi xảy ra tại khu vực có lắp camera thì mọi hình ảnh, diễn biến đều được chụp và quay phim, lưu giữ lại, phục vụ cho công tác điều tra và công tác quản lý nhà nước rất tốt.
Ví dụ như vài hôm trước, có vụ tai nạn ở đường Nguyễn Tri Phương kéo dài giữa một người đi xe Mercedes với một người đi xe máy. Sau khi tài xế ô tô gây tai nạn đã bỏ chạy, nhưng nhờ có hệ thống camera ghi hình và chụp lại được biển số xe nên lực lượng chức năng cũng nhanh chóng tìm ra người lái xe gây tai nạn.
Có phạt được xe không chính chủ?
Thưa Đại tá, theo tính toán thì số lượng ô tô và đặc biệt là xe máy không chính chủ còn rất nhiều. Khi thí điểm phạt nguội, CSGT Hà Nội có gặp khó khăn gì trong quá trình xử lý?
Đây là một vấn đề khó khăn cho lực lượng CSGT, vì hiện nay trên địa bàn Thủ đô các phương tiện hoạt động hàng ngày rất đông. Khi áp dụng “phạt nguội” vi phạm giao thông qua hệ thống camera, CSGT sẽ xác minh các phương tiện vi phạm. Với các phương tiện vi phạm mà không phải chính chủ, CSGT ghi vào nhật ký của hệ thống camera. Trường hợp, phương tiện tái phạm lần 2, CSGT sẽ tạm giữ xe, người điều khiển và sẽ áp dụng hình thức phạt tại chỗ.
Cảnh sát giao thông kiểm tra và xử lý các xe vi phạm. |
Ở Hà Nội có đặc thù là một bộ phận không nhỏ ô tô lưu thông là xe cơ quan Nhà nước, việc xử lý có tính “đặc thù” không, thưa ông?
Trong năm 2013 và đầu năm 2014, các phương tiện biển xanh của cơ quan Trung ương cũng như của Hà Nội, xe các tỉnh về Hà Nội, khi vi phạm CSGT đều xem xét mức độ vi phạm, có biện pháp xử lý theo quy định.
Riêng năm 2013, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 369 trường hợp ô tô biển xanh vi phạm, phạt tiền gần 600 triệu đồng, tạm giữ 16 phương tiện, 358 bộ giấy tờ các loại, tước GPLX 39 trường hợp.
Thưa Đại tá, đối với cán bộ, chiến sỹ CSGT vi phạm bị camera phát hiện, Phòng CSGT có chế tài xử phạt thế nào?
Với trường hợp là cán bộ, chiến sỹ CSGT thi hành nhiệm vụ lại vi phạm mà bị hệ thống camera phát hiện, Phòng CSGT sẽ tiến hành lập biên bản, mời về trụ sở xử lý theo quy định.
Đồng thời, Phòng CSGT sẽ tiến hành kỷ luật cán bộ, chiến sỹ CSGT vi phạm về tinh thần, ý thức trách nhiệm bằng nhiều hình thức như cắt thi đua; không phân công làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát; rút về trực ban, gác cổng đến khi nào đồng chí ấy có những tiến bộ, làm bản cam kết để thực hiện tốt chấp hành các quy định của pháp luật mới được trở lại làm nhiệm vụ ban đầu.
Trong công tác tuyên truyền của Phòng CSGT về việc xử phạt nguội thông qua hệ thống camera ghi hình xe vi phạm, lực lượng chức năng còn gặp những khó khăn gì?
Theo tôi, nếu càng lắp được nhiều camera thì lực lượng CSGT sẽ làm rất tốt trong việc này, ngoài ra nó còn mang tính chất thành phố văn minh, hiện đại, tôi khẳng định ý thức của người tham gia giao thông sẽ được nâng lên.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban ngành, bởi nếu chỉ có một mình lực lượng cảnh sát giao thông thì sẽ không làm được.
Lực lượng cảnh sát giao thông chúng tôi đang làm với hết trách nhiệm, nhưng các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể thì họ tuyên truyền cho chính cán bộ của họ chưa thật tốt.
Khi có thông báo về vi phạm về giao thông thì ở các đơn vị, cơ quan chưa có cắt thi đua hay nhắc nhở, nhiều khi gửi thông báo vi phạm đơn vị họ còn không gửi lại.
Nếu chỉ một mình CSGT không thì chưa đủ, mà tất cả mọi người đều phải vào cuộc, ai cũng phải chấp hành, kể cả các học sinh tiểu học đều phải biết. Ví dụ tuyên truyền làm sao mà khi ra đường, 1 đứa trẻ thấy bố không đội mũ bảo hiểm thì nhất định không lên xe đi, như vậy công tác tuyen truyền mới thực sự có hiệu quả.
Trong 5 năm trở lại đây, Phòng CSGT Hà Nội đã có rất nhiều các hoạt động, ý tưởng tuyên truyền thiết thực, cụ thể như tặng vở in hình tuyên truyền giao thông cho học sinh tiểu học, dán đề can tuyên truỳen luật giao thông tại các điểm chờ xe bus, cho loa tuyên truyền giao thông tại các nút giao thông trọng điểm… Chúng tôi hy vọng với các hoạt động thiết thực như thế, ý thức tự giác của người tham gia giao thông sẽ ngày một nâng cao hơn.
Xin cảm ơn Đại tá!