Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra thông báo xác nhận quả ngư lôi trôi dạt gần bờ biển Việt Nam ngày 18/12 là ngư lôi bắn tập.
Quả ngư lôi của Trung Quốc được phát hiện ở Phú Yên. Ảnh: vietnamnet.vn |
Theo phóng viên Đài TNVN thường trú tại Bắc Kinh, Trung Quốc, sau khi có thông tin ngư dân Phú Yên phát hiện được một quả ngư lôi gần bờ biển Việt Nam, ngày hôm nay (21/12), trang thông tin chính thức của Bộ Quốc phòng nước này đã ra thông báo xác nhận của Hải quân Trung Quốc khẳng định, đây là ngư lôi diễn tập của Trung Quốc.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi được biết thông tin về việc ngư dân tỉnh Phú Yên của Việt Nam vớt được một quả ngư lôi Trung Quốc. Đầu tháng 12, Hải quân Trung Quốc trong khi tổ chức huấn luyện trên vùng biển gần khu vực phía đông đảo Hải Nam đã bị thất lạc một quả ngư lôi, có khả năng do chịu ảnh hưởng của hải lưu quả ngư lôi đã trôi về vùng biển gần phía Việt Nam. Đây chỉ là ngư lôi huấn luyện thông thường, không nhằm bất cứ mục đích gì”.
Trước đó, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, Phú Yên, cho biết ngư dân tìm thấy "vật thể lạ" mắc vào lưới khi đánh cá trên vùng biển An Hải, cách bờ khoảng 4 hải lý vào chiều 18/12. Vật thể hình trụ dài 6,8 m có màu đen và cam, đường kính gần 54 cm.
Ngư lôi huấn luyện thường được chế tạo với đầy đủ tính năng và hệ thống cảm biến, dẫn đường như ngư lôi chiến đấu, chỉ khác ở chỗ chúng không có đầu nổ và phần mũi thường được sơn màu cam để phân biệt.
Theo quy trình huấn luyện thông thường của các nước, sau khi phóng khỏi tàu và di chuyển hết tầm, ngư lôi huấn luyện sẽ nổi lên mặt biển để các tàu tham gia huấn luyện thu hồi.
Tàu thu hồi sau đó được triển khai để tìm kiếm quả ngư lôi huấn luyện và kéo nó bằng dây cáp ở cuối đuôi tàu. Nếu ngư lôi bị thất lạc hoặc bị chìm, hoạt động huấn luyện sẽ bị ngừng lại, các tàu bắt đầu tìm kiếm từ vị trí phóng lôi và kéo dài theo đường đi của ngư lôi huấn luyện.
Việc tìm kiếm được mở rộng ra khu vực có bán kính gấp 2,4 lần tầm phóng của ngư lôi và dừng lại nếu không phát hiện ngư lôi sau hai lần tìm kiếm toàn bộ khu vực. Ngư lôi huấn luyện sau khi phóng có thể bị dòng hải lưu cuốn đến khu vực khác cách xa nơi huấn luyện.
Việc ngư lôi huấn luyện trôi dạt về Việt Nam đã được Trung Quốc xác nhân. Ảnh: Vietnamnet |
Trước khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận thông tin về quả ngư lôi, ngày 19/12, trang Sina của Trung Quốc đã đăng bài “Ngư lôi tiên tiến nhất của Trung Quốc bị ngư dân Việt Nam vớt được? Dù có lấy được thì cũng chẳng sao chép nổi”.
Bài báo viết: Hôm 18/12, ngư dân Việt Nam vớt được một quả ngư lôi cỡ 533mm do Trung Quốc sản xuất ở cách bờ 4 hải lý. Sau đó có "cư dân mạng" xem ảnh nhận ra đó là loại ngư lôi hạng nặng Yu-10 tối tân của Trung Quốc. Nhưng đó là một quả ngư lôi huấn luyện hay ngư lôi thực chiến? Việc bị lạc mất quả ngư lôi này sẽ gây tổn thất ra sao cho Trung Quốc?
Theo bài báo này, ngư lôi huấn luyện và ngư lôi thật dùng cho tác chiến có sự khác nhau nhất định. Nếu là ngư lôi huấn luyện thì thiệt hại không quá lớn. Trước hết nhìn về bề ngoài, quả ngư lôi này đầu màu da cam, phía sau màu đen, phía đuôi có hai cánh quạt thuộc bộ phận động cơ đẩy. Hiện nay ngư lôi của Trung Quốc dùng cho tác chiến như loại hạng nặng Yu-6 đã chuyển sang dùng bơm đẩy để nâng cao tốc độ đi của quả đạn. Yu-10 là loại ngư lôi mới được cải tiến, chế tạo trên cơ sở Yu-6. Nếu là đạn thật thì chắc cũng sử dụng bơm đẩy, cho nên có khả năng đây là đạn huấn luyện.
Bên cạnh đó, bài báo cho biết ngư lôi huấn luyện còn gọi là “thao lôi” không có thuốc nổ ở đầu chiến đấu, chỉ dùng cho huấn luyện và bắn thử, thường sau khi bắn sẽ được theo dõi, thu hồi lại để tiến hành phân tích các số liệu. Đạn “thao lôi” cũng có thể lắp đặt thiết bị định vị hoặc thiết bị tự hủy để đề phòng bị thất lạc thì không lộ lọt bí mật vào tay nước khác. Nếu là đạn thật thì nhất định có cơ chế tự hủy, nếu phát hiện ngư lôi bắn không trúng mục tiêu hoặc bị thất lạc thì người phóng sẽ kích hoạt cơ chế tự hủy. Hiện nay không rõ nguyên nhân vì sao quả ngư lôi này lại bị thất lạc.
Theo bài báo này, trước đây Trung Quốc cũng từng vớt được ngư lôi của Mỹ bị thất lạc, nhờ đó mà kỹ thuật ngư lôi của Trung Quốc được cất cánh. Nhưng quả ngư lôi này dù có bị ngư dân Việt Nam vớt được thì cũng chả mấy tác dụng vì trên thế giới có rất ít quốc gia có khả năng chế tạo được ngư lôi. Vì vậy Việt Nam muốn phỏng chế loại ngư lôi hạng nặng này cũng khó có khả năng. Nhưng nếu họ hợp tác với nước khác để tháo dỡ nó thì cũng có thể gây nên mối đe dọa nhất định đối với Trung Quốc.
Cận cảnh quả ngư lôi Trung Quốc trôi dạt trên biển được đưa vào bờ an toàn. Ảnh: Vietnamnet |
Sau đó, trang tin Đông Phương thân Bắc Kinh ngày 20/12 cũng đăng bài “Ngư dân Việt Nam vớt được ngư lôi Trung Quốc, dân mạng Trung Quốc đấm ngực kêu trời vì lo lộ bí mật”.
Báo này cho rằng có thể đây là đạn ngư lôi do tàu ngầm Trung Quốc phóng ra khi huấn luyện ở gần đó nhưng không thu hồi được, bị trôi dạt vào bờ biển Việt Nam. Báo này cũng phán đoán đó là Yu-6 hoặc Yu-10, sử dụng nhiên liệu giúp cánh quạt ở đuôi hoạt động làm động lực đẩy quả đạn lao về phía trước. Yu-10 là loại ngư lôi hạng nặng được cải tiến từ Yu-6 được chế tạo trên cơ sở tham khảo từ quả ngư lôi Mk-48 mà Trung Quốc vớt được của Mỹ trên Biển Đông.
Tuy nhiên, báo Đông Phương cũng cho rằng, Việt Nam không có đủ năng lực nghiên cứu mô phỏng loại ngư lôi này. Dù họ có giao nó cho Mỹ, Nga hay Ấn Độ thì nhiều lắm cũng chỉ hiểu thêm được các thông tin về loại ngư lôi đang được trang bị nhiều nhất trong hải quân Trung Quốc mà thôi.
Yu-10 là loại ngư lôi tiên tiến nhất, bí ẩn nhất của Trung Quốc hiện có, được đồn đoán là điều khiển bằng cáp quang, sử dụng kỹ thuật động lực nhiệt và kỹ thuật tự dẫn. Nếu bị khóa thì mục tiêu khó thoát khỏi bị bắn trúng. Có tin, tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của Yu-10 tới 99%.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)