(ĐSPL) - Mới đây, UBND xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã long trọng tổ chức lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Phạm Văn Thời – một người con của địa phương.
Cách đây một năm, ngư dân này đã quên mình lao vào sóng to gió lớn để cứu sống nhiều người trên một tàu bị nạn. Sau khi đưa được hai người vào bờ, lần thứ ba lao ra biển, chính anh lại bị sóng dữ cuốn đi. Nỗi đau vẫn còn đó, trên gương mặt mẹ già, vợ trẻ và những đứa con thơ của anh…
Mẹ và vợ liệt sỹ Thời. |
Hành động quả cảm quên mình
Chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của anh Phạm Văn Thời (SN 1982) trú tại thôn Yên Ngự, xã Xuân Yên hơn một năm sau ngày anh mất. Sự kiện anh vừa được trao Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sỹ khiến ngôi nhà tấp nập người vào ra, khác với cái ảm đạm ngày thường. Họ đến để chia sẻ cùng với gia đình.
Sự việc xảy ra vào ngày 30/11/2013, đến nay vẫn đọng lại trong tâm trí nhiều người dân nơi đây. Bởi, đó cũng là ngày một người con quả cảm của quê nhà ra đi sau khi quên mình cứu sống 2 người gặp nạn trên biển. Lúc đó, đang ăn cơm trưa cùng với gia đình, bất chợt nhìn ra biển, anh Thời bảo với vợ, hôm nay biển động, sóng to gió lớn nên cá tươi nhiều, phải tranh thủ ra bãi biển mua ít cá về cho vợ bán quán (gia đình anh Thời mới mở một quán ăn nhỏ cạnh bãi biển Xuân Yên – PV). Nói rồi anh buông đũa, bỏ dở mâm cơm đi ra biển.
Khoảng 11h30 hôm đó, khi đang đứng lựa cá để mua tại chợ gần bãi biển Xuân Yên, anh Thời bỗng nghe thấy tiếng nhiều người xì xào chỉ trỏ ra biển. Anh hỏi ra mới hay có thuyền gặp nạn ngoài khơi xa. Không chút đắn đo, anh vội vàng gửi cá lại rồi cùng 3 ngư dân khác trong xã mượn thuyền thúng ra cứu nạn. Bất chấp sóng to gầm gào, gió lớn quật thuyền chao đảo, các anh đã tiếp cận được chiếc thuyền gặp nạn. Bản thân anh Thời với nhiều năm kinh nghiệm đi biển đã cứu được hai người là anh Trần Văn Trường (33 tuổi) và anh Trần Văn Thường (22 tuổi), đưa vào bờ an toàn. Dù thấy sức đã bắt đầu ngấm mệt, nhưng vẫn có cánh tay chới với ngoài biển, anh Thời tiếp tục chèo thuyền ra. Tuy nhiên, sóng dữ đã đánh úp thuyền của anh, khiến ngư dân này cũng rơi vào cảnh chới với giữa biển. Do đuối sức sau hai lần băng ra cứu người, anh Thời đã bị sóng đánh ra khơi xa. Thi thể của anh đã được tìm thấy sau 4 ngày chính quyền địa phương và nhân dân xã Xuân Yên nỗ lực tìm kiếm.
Ngày 4/12/2013, ngay khi biết tin về hành động quả cảm trên của anh Phạm Văn Thời, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư thăm hỏi gia đình nạn nhân. Cùng với thư khen, Chủ tịch nước đã truy tặng ngư dân này Huân chương dũng cảm.
Việc làm của anh Phạm Văn Thời đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận là liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (ngày 14/8/2014). Mới đây, ngày 15/1/2015, UBND xã Xuân Yên đã long trọng tổ chức lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Phạm Văn thời. Hôm đó, rất đông bà con đã đến dự lễ, chia sẻ với gia đình, những giọt nước mắt vẫn đọng lại trên khóe mắt những khuôn mặt khắc khổ vì muối biển, cảm thương cho số phận của một người con quê nhà.
Bằng “Tổ quốc ghi công” của liệt sỹ Thời. |
Tri ân người đã khuất
Chị Hồ Thị Thảo (SN 1991, vợ anh Thời) với khuôn mặt buồn, tiếp chúng tôi. Được biết, gia đình anh Phạm Văn Thời vốn xuất thân từ nông dân. Nhưng vì không đủ ăn, anh làm thêm nghề đi biển. Ông Phạm Văn Thức, bố anh Thời là thương binh 1/4, vừa mất cách đây hơn 2 năm. Chưa mãn tang bố thì anh Thời đã hy sinh. Anh ra đi để lại cho người vợ trẻ 2 đứa con nhỏ là cháu Phạm Anh Trung Kiên (SN 2009) và Phạm Thị Minh Anh (SN 2011).
“Năm 2008, chúng mình kết hôn. Hồi anh còn đi biển, mỗi lần chồng ra khơi chưa về, mình ở nhà ôm con thấp thỏm, lo lắng. Thấy công việc của anh vất vả lại nguy hiểm, mình bàn với chồng góp vốn thuê một ki ốt nhỏ ở bãi biển Xuân Yên để mở một cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngày anh mất, cửa hàng mới đi vào hoạt động chưa lâu, kinh doanh chưa sinh lãi. Nỗi đau tinh thần khiến mình lao đao một thời gian, chẳng buồn buôn bán gì. Anh Thời mất được mấy tháng thì cửa hàng cũng đóng cửa”, người vợ trẻ vừa kể vừa lặng lẽ khóc.
Một hàng xóm lâu năm với gia đình anh cho biết: “Cháu Thời là đứa con ngoan, hiền lành và rất có hiếu với cha mẹ. Sống với hàng xóm, bà con nơi đây được mọi người quý mến. Cháu nó thường hay giúp đỡ chúng tôi, nhà ai có công, có việc nó đều xắn tay làm. Người như cháu mà phải ra đi quá sớm, chúng tôi ai cũng lấy làm tiếc thương”.
Nhìn cảnh nhà lạnh lẽo vắng bóng những người đàn ông trụ cột của mẹ con chị Thảo, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Hai người đàn bà, một già một trẻ lặng lẽ sống bên nhau, lấy nụ cười con thơ làm niềm động viên.
Kể từ sau ngày được anh Phạm Văn Thời cứu sống, anh Trần Văn Thường vẫn năng qua thăm hỏi, giúp đỡ gia đình ân nhân của mình. Hôm chúng tôi đến nhà anh Thời, anh Thường đang qua đây giúp mẹ con chị Thảo chặt tỉa cành cây trong vườn nhà.
Chia sẻ với PV, anh Thường cho biết: “Hôm xảy ra tai nạn, tôi bị rơi xuống nước. Sau một hồi vật lộn với sóng lớn, tôi bị kiệt sức, ngất đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy đã thấy nằm trong bệnh viện, lúc đó mới hay mình còn sống. Sau này, tôi được mọi người kể cho nghe, anh Thời đã hy sinh bản thân mình để cứu chúng tôi. Thực trong tâm mình, tôi mang ơn anh. Sau khi bình phục, tôi đã đến thắp lên bàn thờ anh nén nhang thành tâm để cảm ơn anh. Tôi tự hứa với anh, còn sống ngày nào, tôi sẽ cố gắng báo đáp lại ngày đó. Cũng từ đấy, tôi thường xuyên đến nhà anh Thời, để giúp mẹ và vợ con anh những công việc nặng nhọc của người đàn ông”.
Khi chúng tôi chào ra về, bà Trần Thị Phương (SN 1957, mẹ anh Thời) nói: “Đành rằng, nỗi đau mất người thân, đối với chúng tôi không thể nào bù đắp nổi. Nhưng gia đình tôi rất cảm ơn sự ghi nhận công lao đối với con trai chúng tôi của Nhà nước, cũng như sự động viên kịp thời của bà con địa phương. Mẹ con tôi thấy được an ủi phần nào trước mất mát quá lớn của gia đình”.
Gia đình có truyền thống cứu người Nói về người ngư dân Phạm Văn Thời vừa được phong tặng liệt sỹ, ông Hoàng Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Yên cho biết thêm: “Lúc còn sống, anh Phạm Văn Thời vốn là một công dân tích cực của xã, là một người hiền lành, nhiệt tình giúp đỡ người khác nên rất được mọi người quý mến. Gia đình anh Thời cũng đã có truyền thống cứu người. Sau khi anh Thời mất vì hành động quả cảm của mình, chính quyền xã Xuân Yên đã thường xuyên đến động viên, thăm hỏi gia đình vượt qua nỗi đau mất mát. Chúng tôi cũng đã phát động phong trào tuổi trẻ Xuân Yên học tập và noi theo tấm gương dũng cảm của liệt sỹ Phạm Văn Thời”. |