Liên quan đến thông tin cho rằng, ngôi mộ bằng đá nguyên khối được người dân Quảng Bình phát hiện trong lúc san lấp mặt bằng là mộ cổ, mới đây, cơ quan chức năng tỉnh này đã lên tiếng về sự việc.
Như tin đã đưa, ngày 6/9, trong quá trình đào đất san lấp mặt bằng phục vụ dồn điền đổi thửa tại cánh đồng Cồn Tràm ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, người dân địa phương bất ngờ phát hiện một ngôi mộ bằng đá nằm dưới mặt đất.
Được biết, địa điểm phát hiện ngôi mộ này thuộc khu vực đồng ruộng, trước đây là vùng đất cao, có nhiều cây tràm mọc um tùm, cách di chỉ khảo cổ Cồn Nền khoảng 1,5km.
Theo quan sát, ngôi mộ có hình hộp chữ nhật, chiều dài khoảng 2,55m, rộng 99cm, cao 73cm. Điều đặc biệt, ngôi mộ này làm hoàn toàn bằng đá nguyên khối.
Dựa trên tấm bia có khắc chữ Hán, các bậc cao niên trong làng phiên dịch và nhận định, đây có thể là ngôi mộ cổ của một vị Quận Công, được chôn cất vào Thế kỷ XI.
Ngay sau khi nhận được thông tin từ chính quyền địa phương về việc phát hiện một ngôi mộ lạ không có ai nhận nhưng lại được làm bằng đá trắng nguyên khối, đoàn chuyên môn khảo cổ thực địa về di tích (trong đó có cả chuyên gia về khảo cổ và dịch Hán Nôm) của sở Văn Hóa – Thể thao tỉnh Quảng Bình được thành lập, về thực địa hiện trường.
Theo đó, qua quá trình thực địa, đoàn chuyên môn nhận thấy những dòng chữ trên bia đá đã nhòe đi không thể đọc được, vì vậy, không thể xác định được nó là chữ Hán như thông tin đã đồn đoán.
Ngôi mộ bằng đá nguyên khối mới được người dân Quảng Bình phát hiện trong lúc san lấp mặt bằng. |
Ngoài ra, liên quan đến thông tin cho rằng có khả năng đây là ngôi mộ của một vị Quận Công, được chôn cất vào Thế kỷ XI, ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc sở Văn Hóa – Thể thao tỉnh Quảng Bình cho rằng, đây là thông tin không có cơ sở. Ông Nam lý giải về điều này: “Theo tài liệu nghiên cứu, vào thế kỷ đó, việc chôn cất một Quận công thường được làm rất cầu kỳ như phải có cổng, văn bia, thành, quách đàng hoàng chứ không đơn giản như ngôi mộ mới được phát hiện này. Trong khi đó, không có tài liệu nào ghi chép việc có Quận công ở Thế kỷ XI sinh sống hay được chôn cất ở đây.
Hơn nữa, qua tìm hiểu địa thế chôn cất thì nơi đây vốn là nghĩa địa của người dân địa phương nên một vị Quận công càng không thể được chôn cất chung như thế”.
Cũng theo ý kiến của ông Nam, ngôi mộ này càng không thể của người Chăm, cho dù được tìm thấy cách di chỉ khảo cổ Cồn Nền khoảng 1,5km.
“Sử sách ghi chép lại, phong tục của người Chăm thường hỏa táng người chết chứ không chôn theo kiểu “trong quan ngoài quách” như của người Kinh”, ông Nam giải thích.
Qua nghiên cứu của đoàn chuyên môn nhận định, đây có thể chỉ là một ngôi mộ của gia đình khá giả ở vào thời kỳ nhà Nguyễn trở lại. Và vì nó không phải mộ cổ nên cơ quan này đã giao lại cho chính quyền địa phương di dời và chôn cất theo nghi thức thông thường như một ngôi mộ vô chủ.
Ngô Huyền – Hương Hồ