Làng Curon chìm xuống đáy hồ vào năm 1950 khi Ý xây dựng nhà máy thủy điện.
Phần chứng tích duy nhất còn sống sót mà người qua lại có thể nhìn thấy của ngôi làng này là tháp chuông của nhà thờ nhô ra trên mặt hồ nước Resia, một hồ nhân tạo nằm ở phía tây của tỉnh Nam Tyrol, nước Ý.
Tuy nhiên, khi hồ Resia tạm thời được rút nước để sửa chữa, tất cả những tàn tích còn sót lại của ngôi làng Curon đã lộ ra sau nhiều thập kỷ bị nhấn chìm.
Làng Curon từng là nơi của khoảng 900 người sinh sống với hơn 160 ngôi nhà. Các nhà chức trách nước Ý cho biết, vào khoảng 71 năm trước, ngôi làng bị san bằng để nhường chỗ cho một nhà máy thủy điện đòi hỏi sự hợp nhất của 2 hồ nước lớn.
Bất chấp sự phản đối của người dân, công trình vẫn tiếp tục được thi công và xây dựng để cung cấp năng lượng thủy điện cho các ngành công nghiệp ở miền bắc nước Ý.
Người làng Curon đã phải di dời và nhiều người chuyển đến một ngôi làng khác được xây dựng gần đó.
“Khi tôi đi giữa đống đổ nát của những ngôi nhà, tôi cảm thấy vô cùng buồn bã. Nó như một lời nhắc nhở mọi người về những gì đã xảy ra với ngôi làng vào thời điểm đó”, bà Lucia Azzolini, một cư dân địa phương chia sẻ.
Sự “nổi lên” kỳ lạ của ngôi làng đã thu hút nhiều khách du lịch sau khi Ý nới lỏng một số quy định trong phòng chống dịch COVID-19. Ngôi làng chìm dưới lòng hồ này đã truyền cảm hứng cho một quyển sách và một loạt phim của nước Ý được công chiếu trên Netflix.
Đáng tiếc rằng, các công ty điện lực ở Ý sẽ bắt đầu xả nước trở lại, trong một vài tuần tới, nước hồ sẽ đầy và ngôi làng Curon sẽ lại lần nữa bị nhấn chìm dưới lòng nước.
Hiện nay, khu vực hồ Resia là điểm đến nổi tiếng. Một nửa tháp chuông quyến rũ giữa lòng hồ chính là lý do kéo du khách đông đúc đổ về nơi đây.
Trang Lê (Theo Reuters)