Cụm dân cư tự phát
Cụm dân cư Suối Cạn nằm cách trung tâm xã Ia Sol khoảng 8 km, cách trung tâm huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai khoảng 4km. Sau trận mưa rừng như trút nước, càng khiến chặng đường vào làng Suối Cạn thêm heo hút gian nan. Cát trắng hòa quyện cùng nước mưa tạo nên thứ hỗn hợp sền sệt khiến xe của chúng tôi không thể nào nhúc nhích. Có những đoạn ổ “gà” ổ “voi” chằng chịt, bì bõm nước khiến chúng tôi phải đánh vật nhiều giờ liền mới vào được thượng nguồn con Suối Cạn.
Theo ông Nguyễn Hữu Khóa, Chủ tịch UBND xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, từ năm 1982, ban đầu lác đác một vài người đồng bào Jrai vào đây canh tác nhưng vì đường đi khá gian nan, vất vả mất nhiều thời gian nên họ dựng lều định cư luôn ở đây. Dù địa hình cách trở nhưng khu vực Suối Cạn đất đai tương đối màu mỡ thuận lợi để người dân canh tác nông nhiệp. Cứ thế, theo thời gian từ một vài nóc nhà tạm bợ bây giờ đã lên đến 38 hộ, 172 khẩu. Mọi người hay gọi là làng cho dễ nhận biết, chứ đúng phải là nói khu dân cư tự phát.
Dạo một vòng quanh khu dân cư tự phát, theo quan sát của chúng tôi, ngôi làng nằm uốn lượn theo dòng chảy của con Suối Cạn. Nơi đây, hầu hết là những căn nhà tạm bợ, quây quần san sát nhau. Trên đường làng, đám trẻ con đủ mọi lứa tuổi mặt mũi nhem nhuốc, đầu trần, chân đất nháo nhác chạy đuổi nhau. Nơi đây, dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng theo cảm nhận của chúng tôi cuộc sống nơi đây bình yên, người dân luôn giữ tinh thần lạc quan gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Mặt trời đứng bóng, chúng tôi dừng chân tại căn nhà tôn ngay đầu làng để nghỉ ngơi sau chặng đường dài. Gió cứ thông thốc thổi, căn nhà tôn tuềnh toàng, tạm bợ cứ rung lên bần bật mỗi khi gió lùa về. Thấy khách lạ ghé thăm, Ông Siu Thúc (55 tuổi) chủ nhà hồ hởi, tay cầm tấm chiếu cũ rách lỗ chỗ trải vội ra sàn nhà mời khách ngồi.
Sau lời chào xã giao, ông Thúc trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về quá trình hình thành cụm dân cư này. Ông kể, cụm dân cư hình thành từ năm 1991, khi bà Siu H'Két ôm con bỏ làng ở thị trấn Phú Thiện vào đây dựng lều tạm để sinh sống vì chồng mất, nhà không có đất sản xuất. Rải rác từ đó đến năm 2002 có thêm 15 hộ dân ở thị trấn Phú Thiện vì thiếu đất sản xuất, đất ở nên cũng chuyển vào đây. Đến nay, cụm dân cư đã có 38 hộ. Khi mọi người lần lượt kéo vào, bà HKét thương nên cho không hoặc đổi cho mỗi người một vạt đất rộng khoảng 4m, dài 20m để làm nhà ở.
Mơ về miền đất mới
“Cuộc sống của bà con nơi đây còn khó khăn, vất vả thiếu thốn nhưng được cái mọi người thương yêu đùm bọc nhau gắn kết tình làng nghĩa xóm. Khi hay tin chính quyền các cấp đã quan tâm tạo điều kiện tìm qũy đất thích hợp để đưa bà con về định cư lập nghiệp cả làng ai cũng háo hức mong chờ. Về nơi ở mới điều kiện sinh hoạt sẽ tốt hơn, đặc biệt đám trẻ con trong làng có điều kiện để đến trường đó là điều hạnh phúc nhất”, ông Thúc háo hức.
Rời khỏi nhà ông Thúc, chúng tôi ghé thăm gia đình Anh Rcom Sư Ni, 25 tuổi, khu dân cư tự phát Suối Cạn. Trò chuyện với chúng tôi anh Ni tậm sự: “Vợ chồng mình có 2 con, bởi cuộc sống gặp nhiều khó khăn, địa hình đường xá heo hút các con của mình chưa có điều kiện để đến trường. Cuộc sống của bà con nơi đây, đa phần là tự cung tự cấp tách biệt với xã hội. Lúa người dân trồng được ở trên nương, trong vườn trồng rau nuôi gà, heo. Thời gian rảnh rỗi người làng rủ nhau lên rừng đặt bẫy săn thú, hái măng, rau rừng cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nghe tin sắp được về nơi ở mới, gia đình mình và người dân ở đây rất vui, bởi trẻ em sẽ được đi học, được khám chữa bệnh và có cơ hội phát triển".
Bà Mai Thị Thu Quý, Bí thư xã Ia Sol, huyện Phú Thiện cho hay, bà con sống tại khu dân cư tự phát Suối Cạn rất khó khăn, thiếu thốn, mùa mưa hầu như bị cô lập vì con suối bao quanh khu vực này dâng nước lớn. UBND xã, huyện đã lập phương án di dời người dân ra khu vực mới và đã quy hoạch đất. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương còn khó khăn, phương án di dời nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được. Trước thực trạng này, địa phương mong muốn các cấp chính quyền sớm bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ đưa người dân ra khu quy hoạch để ổn định cuộc sống.
Khu dân cư tự phát Suối Cạn có 38 nóc nhà xiêu vẹo dựa vào nhau; có những căn trống chỉ có chiếc chiếu trải dưới đất để nằm ngủ qua đêm, trên trần nhà, tôn đã thủng nhiều lỗ. Không điện, không nước sạch, người dân sử dụng nguồn nước từ con suối cạnh làng. Đa số mọi người ở đây đều không biết chữ. Vì những hạn chế về văn hóa, giao tiếp, kiến thức xã hội, đa số những gia đình ở đây đều có từ 2- 5 người con; thậm chí, một số gia đình có đến 12 con.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, trước thực trạng khó khăn của người dân trong khu dân cư tự phát Suối Cạn, địa phương đã tiến hành khảo sát và nhiều lần kiến nghị với ban, ngành của tỉnh, Trung ương cho lập dự án định canh định cư để di dời hơn 100 hộ này về nơi ở mới nhằm ổn định đời sống, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới.
Khu dân cư tự phát Suối Cạn đã được UBND huyện Phú Thiện đưa vào Dự án bố trí, sắp xếp hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Ia Sol, giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, 38 hộ dân tộc Jrai với 172 khẩu này cần được đảm bảo đời sống, sinh hoạt vì hiện không có đất ở, sống ở vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, xa khu dân cư tập trung, thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa bão, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Mặt trời dần khuất núi cũng là lúc chúng tôi chia tay làng Suối Cạn, hy vọng trong cuộc gặp sắp tới chào đón chúng tôi vẫn là những cư dân của làng nhưng nơi đó sẽ là vùng đất mới có “điện, đường, trường, trạm” người dân an cư lập nghiệp.
Hồ Nam
Bài đăng trên Tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp số 10+11+12 (12/1 đến 14/1/2023)