(ĐSPL) - Ngồi cách vựa rau của gia đình hàng ngàn cây số, nhưng chỉ cần bằng một tin nhắn, người nông dân này đã "tưới" xong hơn 3000m2 rau sạch trong vài phút...
Sáng kiến từ đĩa rau 200.000 đồng
Mới bước vào nghề trồng rau sạch được khoảng 2 năm nay nhưng anh nông dân Bùi Ngọc Minh Tâm (SN 1978) - hội viên nông dân phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM, khiến nhiều người nể phục với sáng kiến dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) để điều khiển tưới rau, giúp tiết kiệm được nhân công lao động.
Tốt nghiệp đại học năm 1996 với chuyên ngành tự động hóa của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, anh Minh Tâm đi làm cho nhiều công ty nước ngoài chuyên ngành tự động hóa và chế biến thức ăn thủy sản với mức lương vài chục triệu đồng/tháng - con số khiến nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, anh lại bỏ nghề và về làm nông dân bất chấp bạn bè, người thân khuyên nhủ.
Anh Tâm kể, nghề nông đến với anh thật tình cờ. Đó là trong một lần đi công tác tại Nhật Bản, anh phải bỏ ra hơn 200.000 đồng để mua một đĩa rau ăn kèm tô phở. Thấy nhu cầu rau sạch quá lớn, trong khi ở nhà còn có điều kiện trồng rau sạch mà chưa tận dụng được nên anh đã có ý định về trồng rau.
Sau chuyến đi ấy, anh đi học nghề trồng rau sạch tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM vào ban đêm, còn ban ngày thì đi làm. Cũng trong thời gian này, anh đã có ý tưởng sáng chế ra hệ thống tưới rau điều khiển bằng điện thoại di động (ĐTDĐ) và quyết tâm theo đuổi mô hình này. Thời gian học ròng rã gần 2 năm trời giúp anh có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong trồng rau sạch cũng như có các kiến thức để xây dựng vườn rau theo ý mình, nhất là bộ điều khiển tưới rau bằng ĐTDĐ.
Khi đã chuẩn bị đầy đủ, năm 2013, anh Tâm quyết định thuê đất trồng rau sạch với diện tích 500m2 tại quận Bình Tân và gần 2.000m2 tại huyện Bình Chánh. Mô hình trồng rau sạch của anh đã mang lại kết quả tốt nhờ biết ứng dụng các kiến thức học được để đưa vào thực tiễn. Đặc biệt, anh đã nghiên cứu thành công hệ thống tưới rau bằng ĐTDĐ, một sáng kiến mà trước đây chưa nông dân nào làm được.
Theo anh Tâm, phải mất hơn 2 năm để nghiên cứu thành công hệ thống tưới rau bằng ĐTDĐ và chính thức đưa vào áp dụng trong vườn rau của gia đình từ năm 2013. |
Ở Hà Nội tưới rau tận… TP.HCM
Theo anh Tâm, phải mất hơn 2 năm để nghiên cứu thành công hệ thống tưới rau bằng điện thoại di động (ĐTDĐ) và chính thức đưa vào áp dụng trong vườn rau của gia đình từ năm 2013. Thiết kế của hệ thống này bao gồm một tủ điều khiển với 2 chế độ là điều khiển bằng tay và bằng ĐTDĐ. Trong đó, nếu điều khiển bằng tay nông dân chỉ cần bấm nút là có thể bơm được. Còn khi không ở nhà nông dân muốn tưới rau thì có thể tưới bằng cách soạn tin nhắn theo cú pháp rồi gửi yêu cầu, tủ điều khiển sẽ phản hồi lại và thực hiện thao tác tưới rau như yêu cầu của tin nhắn.
“Cái khó nhất vẫn là tìm ra mật mã sóng (mã code) nhằm kết nối điện thoại với hộp điều khiển” - anh Tâm nhớ lại.
Phần cứng tìm dễ dàng vì trong nước đều có nhưng do sóng điện thoại được nhà mạng khóa bằng mật mã nên việc chọn cổng giao tiếp để nạp chương trình, lập trình bộ thu phát sóng liên tục gặp trục trặc do chưa tìm được mật mã tương thích.
“Hàn con chip lộn chân cũng không liên kết được với nhà mạng, nên nhiều lúc gửi tin nhắn hộp điều khiển nhận nhưng không điều khiển máy bơm, phải sửa tới sửa lui...” - anh Tâm nói.
Nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ của bạn bè, đến giữa năm 2013 anh đã cho ra đời sản phẩm tưới rau bằng điện thoại đầu tiên của mình.
Anh Tâm chỉ cần sử dụng điện thoại soạn tin nhắn và gửi đến bộ điều khiển. Khi đồng hồ điểm sang giây thứ 10 kể từ lúc gửi tin đi, cũng là lúc điện thoại anh Tâm reo lên, báo hiệu tin nhắn từ hộp điều khiển là môtơ nước đã được khởi động. |
“Vườn rau gần 200m2 với hàng trăm lần được đem ra thí nghiệm nay đã xanh tốt hơn với công nghệ tưới tự động. Ngoài ra, tôi thuê gần 3.000m2 đất để trồng rau sạch áp dụng hệ thống tưới tự động này và đã cho thu hoạch” - anh Tâm phấn khởi.
Không chỉ tưới rau, hiện bộ điều khiển của anh có bốn cổng ra độc lập nên có thể điều khiển được bốn thiết bị.
Chỉ tay vào hộp điều khiển, anh Tâm tự tin nói: “Điều khác thường là chỉ cần chiếc hộp điều khiển và chiếc điện thoại “cùi bắp” này, vài phút sau vườn rau sẽ ướt đẫm”.
Trình diễn tưới rau bằng thiết bị sáng chế của mình, anh Tâm chỉ cần sử dụng điện thoại soạn tin nhắn và gửi đến bộ điều khiển. Khi đồng hồ điểm sang giây thứ 10 kể từ lúc gửi tin đi, cũng là lúc điện thoại anh Tâm reo lên, báo hiệu tin nhắn từ hộp điều khiển là môtơ nước đã được khởi động.
Ngay tức thì từ trên cao các béc nước bắt đầu phun xối xả xuống vườn rau. Chỉ trong vài phút nhiều loại rau: xà lách, mồng tơi, tía tô... ướt đẫm từ gốc đến ngọn.
Sau vài phút nhận thấy vườn đủ nước, anh Tâm gửi tin nhắn với ký tự “off”, 10 giây sau các béc đồng loạt ngừng phun nước.
Xem video về thiết bị tưới rau qua... điện thoại di động[mecloud]D8lx5mL2NP[/mecloud]
Chưa hết, anh Tâm còn có thể bật tắt đèn bằng điện thoại di động. Bóng đèn được lắp vào nguồn điện từ hộp điều khiển, lần này để thuyết phục hơn anh Tâm chọn vị trí cách hộp điều khiển 200m để nhắn tin, cho tôi kiểm tra nguồn điện và quan sát bóng đèn. Kết quả vẫn thế, với hai tin nhắn “on”, “off” bóng đèn được bật sáng chỉ sau hơn 10 giây và tắt ngay sau đó.
“Với thiết bị này, cho dù tôi có đi xa hàng ngàn cây số thì vẫn có thể tưới vườn rau của gia đình được. Muốn tưới rau trong thời gian bao lâu, vào giờ nào mình có thể thực hiện được chỉ bằng một tin nhắn” - anh Tâm cho hay.
Sắp tới, anh Tâm dự định sẽ nâng cấp chip để cho ra nhiều cổng hơn, và dùng phần mềm được lập trình thay cho các phần cơ để tinh giảm khối lượng và có thể sửa chữa ngay trên máy vi tính.
Nói về hiệu quả của thiết bị anh Tâm cho biết, thiết bị giúp ích rất nhiều trong sản xuất, cụ thể là là tiết kiệm được nhân công lao động. Anh dẫn chứng để tưới một vườn rau rộng khoảng 1ha, phải sử dụng nhiều lao động và làm mất cả buổi, nhưng với thiết bị điều khiển tưới rau bằng ĐTDĐ thì chỉ cần khoảng chục phút. Riêng vườn rau nhà anh với tổng diện tích hơn 2.000m2 hiện nhờ ứng dụng hệ thống tưới này nên không mất nhân công để tưới rau.
Mặc dù thiết bị này mang lại nhiều tiện ích như vậy nhưng theo anh Tâm chi phí để làm ra nó chỉ khoảng 6 triệu đồng/cái. Nếu như nông dân có nhu cầu anh sẵn sàng hỗ trợ lắp đặt.
Ông Vũ Anh Tuấn, tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, cho biết trong nước hiện chỉ sử dụng phổ biến loại điều khiển hẹn giờ hay điều khiển các thiết bị dựa trên máy tính với mạng Internet, đây là những dạng công nghệ có giá thành tương đối cao.
“Điều khiển tưới rau thông qua điện thoại là rất hiếm, sáng chế này sẽ có cơ hội nhân rộng nhờ vào mạng điện thoại được phủ sóng cả nước” - ông Tuấn khẳng định.
Ngọc Anh(Tổng hợp)