Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibah xác nhận thông tin trên. Theo đó, Bộ trưởng Najla al-Mangoush đã “tạm thời bị đình chỉ” và sẽ phải chịu một “cuộc điều tra hành chính” bởi một ủy ban do Bộ trưởng Tư pháp chủ trì.
Tin tức về cuộc tiếp xúc đã dẫn đến làn sóng phản đối ở Libya, quốc gia không công nhận Israel. Trên đường phố Tripoli và các vùng ngoại ô, nhiều người dân đổ ra đường phản đối việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Các cuộc biểu tình lan sang cả các thành phố khác, nơi nhiều thanh niên chặn đường, đốt lốp xe và vẫy cờ Palestine.
Phía Israel cho biết cuộc gặp là "sáng kiến ngoại giao đầu tiên như vậy giữa hai nước" và hai Ngoại trưởng đã thảo luận về khả năng hợp tác.
"Tôi đã trao đổi với Ngoại trưởng Libya về tiềm năng to lớn của hai nước cũng như khả năng viện trợ của Israel trong các vấn đề nhân đạo, nông nghiệp và quản lý nước", Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cho hay. "Hai bên cũng thảo luận tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản người Do Thái ở Libya, trong đó có cải tạo giáo đường Do Thái và nghĩa trang của người Do Thái ở nước này".
Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Libya, Ngoại trưởng Mangoush đã từ chối gặp đại diện Israel và những gì xảy ra là "tình cờ, không chuẩn bị trước và không chính thức". Bộ này khẳng định cuộc gặp không bao gồm bất kỳ "thảo luận, thỏa thuận hoặc tham vấn nào", đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan này "hoàn toàn phản đối bình thường hóa" với Israel.
"Ngoại trưởng đã nhắc lại một cách rõ ràng quan điểm của Libya liên quan người Palestine", Bộ Ngoại giao Libya nhấn mạnh, đồng thời cáo buộc Israel cố diễn giải sự việc như "cuộc gặp hoặc đàm phán".
Hội đồng Tổng thống Libya ra tuyên bố yêu cầu Thủ tướng Dbeibah làm rõ những gì đã xảy ra. "Diễn biến này không phản ánh chính sách đối ngoại của nhà nước Libya, không đại diện cho sự kiên định của Libya và bị coi là vi phạm luật pháp", hội đồng cho hay, đồng thời yêu cầu Thủ tướng "áp dụng luật nếu cuộc gặp thực sự diễn ra".
Có tin đồn bà al-Mangoush đã rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, Cơ quan an ninh nội địa Libya phủ nhận thông tin rằng họ đã cho phép và hỗ trợ bà al-Mangoush xuất cảnh, cho biết bà đang nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao xảy ra trong bối cảnh có những thông tin về việc người đứng đầu chính phủ - ông Abdel Hamid al-Dabaiba đang tìm kiếm sự công nhận của Israel trong nỗ lực duy trì quyền lực. Ông Al-Dabaiba đã từ chối bàn giao quyền lực kể từ khi Quốc hội nước này bầu ra một chính phủ khác vào tháng 2/2022, đồng thời khẳng định rằng sẽ không rời đi cho đến khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức.
Đáng chú ý, đạo Luật số 62 năm 1957 của Libya cấm mọi cá nhân hoặc pháp nhân ký kết một thỏa thuận dưới bất kỳ hình thức nào với các tổ chức hoặc cá nhân cư trú tại Israel, mang quốc tịch Israel hoặc làm việc cho Israel. Người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm và có thể bị phạt tiền.
Mộc Miên (Theo Guardian)