+Aa-
    Zalo

    Ngoại tình có bị kiện không?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo quy định của pháp luật, người ngoại tình có bị xử lý gì không? Nếu hai vợ chồng ly hôn thì luật giải quyết như thế nào?

    (ĐSPL) - Theo quy định của pháp luật, người ngoại tình có bị xử lý gì không? Nếu hai vợ chồng ly hôn thì luật giải quyết như thế nào? 
    Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, vấn đề ngoại tình bị pháp luật ngăn cấm nhưng không có quy định nào về việc một bên đòi bên kia bồi thường thiệt hại về tinh thần do hành vi ngoại tình gây ra.
    Giải quyết vấn đề ngoại tình, pháp luật để ngỏ cho các bên phương án xử lý thông qua tác động của các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội, họ hàng. 
    Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 về Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án gồm:
    " 1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
    2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
    3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
    4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
    5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
    6. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định."
    Như vậy, một bên không thể khởi kiện bên kia ra tòa để giải quyết việc ngoại tình.
    Nhưng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” là hành vi bị cấm.
    Trong trường hợp sự khuyên can đó không hiệu quả, bên kia vẫn tiếp tục có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác thì họ sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu tiếp tục tái phạm, họ có thể bị công an khởi tố xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

    Ngoại tình có bị kiện không?

    Théo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người ngoại tình mà họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật như sau.
    Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người thực hiện một trong các hành vi sau: đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ…
    Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi chung sống như vợ chồng với người khác có thể có dấu hiệu của tội phạm hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự. Điều 147 Bộ luật Hình sự quy định:
    “1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
    2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tuyên hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”
    Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự do Bộ Tư pháp - Bộ Công an - TANDTC - VKSNDTC ban hành, thì hành vi “chung sống như vợ chồng”: Là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
    Tuy nhiên, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp:
    - Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng, như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát,...
    - Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong Điều 147 BLHS, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính (theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính nếu qua 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính), mà lại thực hiện chính hành vi đó, hoặc thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong điều luật.
    Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tuyên hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo khoản 2 Điều 147 BLHS.
    Còn Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình quy định: "Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
    Còn theo Điều 115 của Luật này cũng quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng khi ly hôn như sau: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”.
    Ngoài nghĩa vụ cấp dưỡng ra, 
    Ngoài nghĩa vụ cấp dưỡng ra, quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về nghĩa vụ chung và nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng và như sau:
    * Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng (Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình): Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
    - Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
    - Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
    - Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
    - Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
    - Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
    - Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
    * Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng (Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình): Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:
    - Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
    - Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
    - Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
    - Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.
    Bên cạnh đó, nếu vợ chồng ly hôn thì tài sản hiện nay được xác định theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Tài sản chung của vợ chồng
    1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
    Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
    2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
    3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
    Do đó, trường hợp yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn hoặc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì các bên có quyền được chia số tài sản của vợ chồng đang có, theo quy định tại khoản 2 Điều 59 và khoản 1 Điều 38.
    Để có căn cứ cho việc chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và các nghĩa vụ khác, cần làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án án giải quyết. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
    - Đơn khởi kiện (theo mẫu)
    - Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (giấy khai sinh của con…)
    - Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực)
    - Các giấy tờ liên quan khác (nếu có)
    - Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).

    Xôn xao clip chồng bắt quả tang vợ ngoài tình với người nước ngoài

    Luật Gia Đồng Xuân Thuận
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngoai-tinh-co-bi-kien-khong-a91572.html
    Sự kiện: Ngoại tình
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan