(ĐSPL) - Bố mẹ bé do một lý do nào đó mà không thể làm thủ tục khai sinh cho con được. Vậy, ngoài cha mẹ, ai được quyền đăng ký khai sinh cho trẻ?
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 06/2012/NĐ-CP), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con, nếu không có thể ông, bà hoặc những người thân thích khác làm việc này.
Ngoài cha mẹ, ai được quyền đăng ký khai sinh cho trẻ? - Ảnh minh họa. |
Về thủ tục đăng ký khai sinh
Điều 15 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định: Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấv chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trường hợp giấy chứng sinh của trẻ bị mất thì người thân thích của cháu bé cần liên hệ với cơ sở y tế nơi cháu được sinh ra để được cấp lại giấy chứng sinh.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT–BYT của Bộ Y tế về cấp và sử dụng Giấy chứng sinh, trường hợp mất, rách, nát Giấy chứng sinh thì bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc trưởng thôn về việc sinh và đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng sinh mới như trường hợp cấp Giấy chứng sinh có nhầm lẫn. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không được quá 3 ngày làm việc.
Sau khi được cấp giấy chứng sinh, người thân thích của cháu liên hệ với UBND cấp xã nơi cư trú của người cha để được cấp Giấy khai sinh.
Trong quá trình xin cấp Giấy khai sinh mà có vướng mắc thì người thân thích của cháu cần liên hệ với Phòng Tư pháp của UBND cấp huyện hoặc Sở Tư pháp để được hướng dẫn cụ thể.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn
Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
Thẩm quyền đăng ký khai sinh
Điều 13 Nghị định Nghị định 158/2005/NĐ - CP (sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 06/2012/NĐ-CP) quy định như sau:
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
2. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.
3. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
Vấn đề này được hướng dẫn chi tiết tại mục 1 Phần II Thông tư số 01/2008/TT-BTP (sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 12/2011/TT- BTP). Trong đó, các điểm a, d, đ của mục này quy định như sau:
Thẩm quyền đăng ký khai sinh theo nơi người mẹ cư trú. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 và Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em phải được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã), nơi người mẹ đăng ký thường trú; trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú.
Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký thường trú để biết. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ”.
Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha và mẹ là công dân Việt Nam mà chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, sau đó về nước cư trú cũng được áp dụng quy định tại Mục 1 Chương II của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Mục này để đăng ký khai sinh. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Trẻ sinh ở nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài”.
Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, được mẹ là công dân Việt Nam đưa về Việt Nam sinh sống, cũng được áp dụng quy định về đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú theo quy định tại Mục 1 Chương II của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Mục này để đăng ký khai sinh khi:
- Trẻ em chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài;
- Mẹ của trẻ em không đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp người mẹ khai về người cha, thì người cha phải làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật.
Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Trẻ sinh ở nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài”.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]EZJojHWgFz[/mecloud]