(ĐSPL) –Những khu sinh phần, mộ phần rộng hàng trăm m2, với kiến trúc cầu kỳ, trị giá cả chục tỷ đồng khiến nhiều người đã ví Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì, Hà Nội) là… nghĩa trang “đại gia”.
Một khu mộ với hàng ngựa làm bằng đá trắng cầu kỳ. |
Tọa lạc trên một quả đồi diện tích 20 ha, thuộc địa phận hai xã Phú Sơn và Vật Lại của huyện Ba Vì, Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng là nghĩa trang đầu tiên của Hà Nội được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa từ năm 2004.
Công viên nghĩa trang này cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 75km. Dù có giá đắt hơn nhiều lần giá đất dành cho người sống, song chỉ sau khoảng 5 năm đưa vào sử dụng, nghĩa trang này hiện đã hết đất để bán.
Đẳng cấp người âm
Từng nhiều lần được thuê xây mộ phần tại đây, ông V., một người dân địa phương dẫn chúng tôi mục sở thị "nghĩa trang đại gia", kể: “Ở đây toàn mộ của đại gia và những người giàu có, nên họ rất cầu kỳ trong thiết kế và xây dựng. Chỉ cần vừa ý, chứ họ không quan tâm là đắt hay rẻ. Chẳng hạn như đá để xây mộ, khắc bia, dựng cột hay bình phong phải là đá xanh, được vận chuyển từ Ninh Bình lên. Còn nếu xây bằng đá ong thì cũng phải là đá ong Thạch Thất”.
Chỉ tay vào một chiếc lư hương làm bằng đá xanh cao tầm 1,6 m, đường kính trên 1m, chạm khắc rồng phượng rất cầu kỳ, ông Vĩnh nói: “Chỉ riêng cái lư hương này, nếu kể cả công vận chuyển cũng có giá cả trăm triệu đồng. Còn hai cây bách kia cũng có giá hàng chục triệu”.
Khu mộ được làm bằng đá nguyên khối. |
Trên đường đưa chúng tôi thực mục sở thị hàng chục “biệt thự” bề thế, ông V. liên tục hỏi cảm nhận của chúng tôi: “Thế nào? Hoành tráng chưa?!”. Ông cười tít mắt mỗi khi thấy chúng tôi tỏ ra gật gù. Quả thực, hầu hết kiến trúc của những lô mộ phần mà chúng tôi đã tham quan đều rất ấn tượng. Khuôn viên nào cũng được lát gạch cao cấp hoặc đá hoa cương, xen lẫn những hàng cỏ, hoa xanh mướt. Gia chủ cũng không quên cho xây một ngôi thủy đình, vừa lấy chốn nghỉ chân, vừa tôn thêm vẻ sang trọng, trang nghiêm.
"Người chết cũng có đẳng cấp, vì chỉ cần nhìn vào khu mộ phần, người ta biết được gia thế ra sao", ông V. cho hay.
Khi chứng kiến những lư hương, cột đá, bình phong khổng lồ, miếu thờ… được chạm khắc hoa văn cực kỳ tinh vi, được thiết kế với kiến trúc hiện đại, bao gồm cả hệ thống cây xanh, thảm cỏ, cổng ra vào, tường bao vây quanh, bất kỳ ai cũng liên tưởng tới những… khu biệt thự liền kề dành cho người đang còn sống.
Đắt hơn đất cho người sống
Theo tìm hiểu, ở Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng có hai hình thức đó là an táng vĩnh viễn và cải táng. Nơi này tiếp nhận 100\% số người có hộ khẩu Hà Nội. Thời điểm đầu, giá bán 1m2 ở đây là 800.000 đồng, sau này khoảng hơn 2 triệu đồng tuỳ vị trí. Theo tiêu chuẩn quy định, một mộ an táng cần diện tích khoảng 10m2, còn một mộ cải táng chỉ 3m²...
Bia mộ được chạm khắc cầu kỳ từ đá xanh Ninh Bình. |
Nhưng đến thời điểm hiện nay, hầu hết diện tích của “khu biệt thự” đã được mua hết, chính vì thế giá đất ở đây được đấy lên rất cao theo hình thức nhượng lại. Giá cho một ngôi mộ “chung cư” là 11,5 triệu đồng/ 1m2. Vì sợ hết đất, các đại gia đã mua để dự trữ với mục đích để chôn cất người thân trong gia đình hoặc có thể bán lại khi được giá. Nhiều “khu biệt thự” chỉ riêng tiền đất đã có giá tới vài trăm triệu đồng, đôi khi còn lên tới cả tỷ đồng.
Kiến trúc cầu kỳ, hiện đại. |
Anh H., một người dân địa phương cho hay: “Nhiều đại gia mua trước làm khuôn viên cho đẹp, ở đây khi đã mua đất thì việc xây dựng như thế nào là tùy vào gia đình, không theo quy cách hay khuôn khổ gì của nghĩa trang. Chuyện các đại gia đầu tư từ 5 đến 6 tỷ để xây dựng khuôn viên ở đây là rất nhiều, làm theo cung cách như các lăng mộ vua chúa ngày xưa. Chưa cần tính đến việc xây dựng như thế nào, nhưng riệng độc việc trồng cây xanh, cây cảnh xung quanh khuôn viên đã mất vài trăm triệu đồng.
Nhiều ngôi mộ còn được gia đình cẩn thận đào móng sâu 5m, bắn đá, đổ bê tông cốt thép, “bom đánh không sập”.
Nhiều khu lăng mộ sau khi hoàn thiện còn không tính nổi được số tiền đã đầu tư vào đó là bao nhiêu nữa. Theo lời anh C. thì “chỉ biết là nhiều tiền, nhiều tỷ, cứ hết là gia đình lại rót tiền xuống chứ không tính được con số chính xác là bao nhiêu”.
12 triệu/m2 đất cho người chết Khi chúng tôi nói có nhu cầu mua đất, anh C. (người chuyên giới thiệu mua bán đất) nói: “Ở bên này, họ bán theo mét, mua bao nhiêu mét thì tính tiền bấy nhiêu. Hiện tại, đất của công ty không còn nữa, mà bây giờ chỉ có đất chuyển nhượng. Tức là ông này ông ấy mua nhưng bây giờ ông ấy không dùng nữa thì ông ấy bán". Anh C. chia sẻ thêm: “Bên đó đang có một mảnh 117m2 thuộc lô 7A9, giá hiện tại bây giờ rơi vào khoảng 11 đến 12 triệu/m2, không có chỗ nào thấp hơn nữa, có những chỗ còn lên tới 14 dến 15 triệu/1 m2. Vài năm trước công ty vẫn còn đất thì giá bán chỉ là 6.500.000đ/m2 nhưng bấy giờ thì nửa mét cũng không có". |