+Aa-
    Zalo

    Nghiệt ngã đời quả phụ bến... “Lỡ”, hàng chục năm mòn mỏi vọng phu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 15 năm sau chuyến tàu định mệnh, 20 người phụ nữ nơi bến "lỡ" phải chịu cảnh gồng gánh nuôi con một mình khi những người chồng lần lượt ra khơi nhưng chẳng trở về.

    15 năm sau chuyến tàu định mệnh, 20 người phụ nữ ở làng chài Bình Trung (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) phải chịu cảnh lẻ bóng, gồng gánh nuôi con một mình khi những người chồng lần lượt ra khơi nhưng chẳng trở về. Tháng năm dài sống chung với nước mắt tủi hờn và cô quạnh, họ vẫn kiên định, vò võ đợi chồng.

    Phận người bên bến... “Lỡ”

    Xã đảo Tam Hải mùa nào cũng mênh mang sóng nước. Cái mặn mòi biển giã nuôi lớn bao hồn người Tam Hải, khiến họ nhớ nhung da diết mỗi bận xa quê. Nhưng cơn cuồng nộ, giông tố nơi biển cả mang đến quá nhiều đau thương, mất mát. Trong ký ức của lão ngư Phan Văn Đệ (68 tuổi, trú thôn Bình Trung, xã Tam Hải) đại họa xảy ra năm 2004 vẫn còn hiện diện quá rõ ràng, đau đớn và ác nghiệt. Mùa biển năm ấy, hơn 20 người con của làng chài Bình Trung đã mãi mãi nằm lại nơi khơi xa lạnh lẽo, để lại những người phụ nữ mỏi mòn đợi chờ trong tuyệt vọng...

    “Chẳng ai ngờ, chuyến ra khơi định mệnh trên con tàu QNa 1431TS năm 2004 đã chôn vùi thân xác của hơn 20 thuyền viên trong thôn. Gần 15 năm trôi qua, câu chuyện vẫn là nỗi ám ảnh nặng nề với bà con nơi đây. Có những người vợ mất chồng, người mẹ mất con mà sinh bạo bệnh, tâm trí lú lẫn. Ngày ngày, họ cứ ra biển, lặng lẽ ngóng trông...”, cụ Đệ lắng giọng. Từ đó trở đi, bến cát thôn Bình Trung chẳng còn nổi một tiếng cười. Cả làng ngập trắng khăn tang. Những ngôi mộ gió dần mọc lên để vong linh người đã khuất ngủ yên, và cũng để yên lòng người còn sống.

    Cái tên bến cát Bình Trung cũng lùi dần vào dĩ vãng, giờ đây người ta gọi nơi này là bến “Lỡ”, bởi mỗi khi một người đàn ông ra đi mà không trở về thì lại có một người phụ nữ chịu kiếp lỡ làng. Người làng nói với chúng tôi rằng, cuộc sống nơi đây quanh năm khốn khó. Hằng ngày gió cuốn cát trôi, nhiều người không chịu nổi cảnh bồi lở đã dần bỏ xứ mà đi. Riêng hàng chục người đàn bà góa bụa năm nào vẫn bám bến đợi chờ, dẫu biết rằng vô vọng.

    Hình bóng người phụ nữ góa bụa-những thân cò lặn lội nơi bến “Lỡ”.

    Vọng phu thời hiện đại

    Thắp nén hương lên bàn thờ của chồng, nước mắt của chị Nguyễn Thị Cúc (39 tuổi) nghẹn đắng xót xa. Ngày anh Lê Văn Sang - chồng chị ra khơi cùng con tàu QNA 1431TS rồi mãi mãi không về, chị mới 24 tuổi. Ở cái tuổi xuân xanh, nhiều người con gái còn cách yêu thương, và nếm trải đủ cung bậc cảm xúc khi được ở bên người mình yêu... thì chị đã vĩnh viễn mất chồng. Chị chôn vùi tuổi trẻ mòn mỏi chờ chồng trong vô vọng. Những phụ nữ như chị ở bến “Lỡ” đã thành những vọng phu của thời hiện đại.

    “Ảnh ra đi để lại mình tôi với 4 đứa con thơ nheo nhóc. 15 năm trời, không đêm nào tôi không khóc. Khóc vì nhớ thương, khóc vì phận mình hẩm hiu... Hồi ảnh mới mất, cứ nhắm mắt là tôi thấy thấy xác chồng trôi dập dềnh trên biển. Thử hỏi lòng người vợ nào chịu cho nổi. Sau cùng, tôi lập nấm mộ gió nơi bến cát trước làng để thờ phụng ảnh. Tâm niệm cứ đinh ninh rằng ảnh đã về nằm đây rồi thì mới yên

    tâm, lòng mới nhẹ đi chút ít”, nói đoạn, chị Cúc đưa tay lau vội dòng nước mắt. Chị bảo rằng, từ ngày chồng mất, chị trở nên kiên cường, mạnh mẽ lạ thường. Bốn đứa con một mình chị gồng gánh với bão gió cuộc đời. Chị chẳng còn sợ bóng đêm nữa. Bóng đêm lầm lũi trở thành người bạn với chị. Nơi đó, chẳng ai thấy chị khóc, chẳng ai thấy chị yếu lòng nữa... Đêm đến, nhìn ra bến “Lỡ”, người ta vẫn thấy bóng chị - người đàn bà cô độc với cây đèn pin cột ngang trên trán, lom khom soi bắt cá, nhặt ốc sò... mưu sinh, nuôi 4 đứa con ăn học.

    “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”

    Có lẽ người chịu nhiều đớn đau nhất bến “Lỡ” là chị Nguyễn Thị Minh (45 tuổi) - vợ chủ tàu QNA 1431TS. Tai ương không chỉ cướp mất chồng mà nhấn chìm con trai chị. Chuỗi ngày còn lại, chị phải sống trong tận cùng của nỗi đau. Người ta từng thấy chị trở thành người đàn bà vô hồn, nói cười điên dại suốt một thời gian dài.

    Tưởng chừng chị chẳng thể gượng dậy sau 5 lần 7 lượt tìm đến cái chết.Nhưng may thay, nhờ được bà con chòm xóm phát hiện kịp thời, chị mới còn đến hôm nay. “Mình tỉnh táo dần dần. Phải sống để còn đợi người chồng và con trở về. Đàn bà dân đảo như mình ai cũng thấm thía cái câu: “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”, rồi dặn lòng tất cả đều do duyên và nghiệp cả. Hồi đó, mấy chị em mình như người mộng du, lang thang ra biển giữa đêm, sợ mang phận góa bụa, cô độc.... Sáng ra, mấy chị em cũng tự tỉnh lại, rồi dắt díu nhau về”, chị Minh nghẹn ngào.

    Không chỉ mất chồng, mất con, chị từ một chủ tàu có tiền tỷ trong tay, phút chốt cũng thành tay trắng, nợ nần. Nhiều lần chị đã vươn lên, vay mượn đầu tư nuôi nghêu, nuôi tôm ở ngay bến “Lỡ” này nhưng mọi tâm huyết đều đổ sông, đổ bể. Kiệt quệ, chán chường, nhưng chị vẫn không làm sao rời bỏ được bến xưa. Người đàn bà góa bụa ngày ngày vẫn bám theo từng con nước nơi cửa bể mà mò cua bắt ốc sống qua ngày.

    Từ ngày chồng biền biệt khơi xa, bà Linh cũng bỏ nghề biển. Ngày ngày, bà đẩy nước ngọt thuê kiếm sống.

    Trưởng thôn Bình Trung Hồ Quốc Thanh xót xa rằng, đến bến “Lỡ” ngày giỗ chung cho hơn 20 thuyền viên mới thấu hết tiếng khóc than, ai oán của những người đàn bà góa bụa trên đảo. Giữa bốn bề mênh mông nước, tiếng trẻ con theo mẹ hòa cùng tiếng sóng đều đều táp vào bãi cát cứ thế vang xa, âm ỉ.

    “Phụ nữ vừa làm mẹ, vừa làm cha. Tôi thấy nhiều cảnh vợ vò võ trông chồng, con thơ ngóng bóng cha trong tuyệt vọng mà xót xa..”, ông Thanh nói. Nếu không có ngày tai ương đó thì có lẽ giờ bà Nguyễn Thị Linh (50 tuổi) đã an nhàn tuổi già trong dư giả, hoặc chí ít là trong niềm hạnh phúc. Hơn 15 năm trước, vợ chồng bà từng khiến xóm giềng nức nở khen ngợi là đôi vợ chồng giỏi làm biển nhất. Với chiếc ghe máy nhỏ, mỗi đêm ông bà thu về cả triệu bạc nhờ đánh bắt gần bờ. Cuộc sống gia đình vì thế khấm khá lên, con cái được ăn học tử tế.

    Nhưng rồi ông quyết định theo bạn đi tàu lớn để vươn khơi xa hơn. Biết tính chồng ưa vẫy vùng nơi biển trời bao la của Tổ quốc, bà không cản. Vậy mà cuối cùng, ông không từ mà biệt, để lại bà một mình đau đớn, ám ảnh. Từ một người phụ nữ gan góc nơi sóng gió, bà đâm ra sợ biển. Mỗi lần bão gió ập đến, bà co quắp, run rẩy la hét. Người ta khuyên bà Linh nên rời bến “Lỡ” vào đất liền với bà con cho khuây khỏa, cho vơi đi ký ức đau buồn. Nghe vậy, bà lắc đầu nguầy nguậy, bà chỉ muốn ở lại bến này và chờ chồng.

    Sau tháng ngày lầm lũi, khóc đến cạn khô nước mắt, bà Linh bỏ nghề biển giã đi đổi nước cho người ta. Ngày ngày, đều đặn bà gò lưng trên chiếc xe đạp cũ, chở theo 2 can nhựa đổi nước ngọt cho người dân trong vùng. “Mỗi ngày tôi đổi 40 lít nước ngọt kiếm được vài chục ngàn đồng, sống qua ngày”, bà Linh khẽ thở dài.

    Con nắng nhạt dần, chiếc phà nổ máy xình xịch đưa chúng tôi về phía đất liền. Xã đảo Tam Hải lùi dần về sau, nhỏ dần nhỏ dần. Sóng nước vẫn cứ đập vào mạn phà miên man miên man. Chúng tôi chẳng ai nhìn ai, mỗi người mỗi hướng, trầm ngâm. Hình ảnh những người góa phụ còng lưng mò cua bắt ốc bên gành nước cứ ẩn hiện trong tâm trí. Đâu đó xa xa bỗng rắt réo lên giọng hò nghe sao ai oán: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông/ Một duyên hai nợ âu đành phận/Năm nắng mười mưa dám quản công"...

    NHÂM THÂN 
    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp Luật số 101
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghiet-nga-doi-qua-phu-ben-lo-hang-chuc-nam-mon-moi-vong-phu-a241968.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan