(ĐSPL) - Thực hiện chương trình hỗ trợ, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô nông hộ, các hộ không đạt tiêu chuẩn để nhận hỗ trợ ở xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn được nghiệm thu cho đạt để nhận số tiền hỗ trợ.
Nhiều con số không có thật
Vào cuối năm 2014, thực hiện chủ trương hỗ trợ, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô nông hộ có liên kết, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014, toàn xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có 17 hộ được chọn làm mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô 20 con.
Để nhận được khoản tiền hỗ trợ 30 triệu đồng, mỗi hộ phải đảm bảo làm chuồng trại mới, có nguồn cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm thì mới được nghiệm thu.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại các hộ gia đình thuộc chương trình chăn nuôi lợn thịt, có gần 80\% số hộ này khẳng định, con giống đều được tự đi mua trôi nổi ngoài thị trường; còn lợn mẹ ở nhà đẻ con ra thì được nuôi lớn và bán lại cho các tiểu thương trong làng.
Ông Phạm Minh Thành, hộ chăn nuôi ở thôn Tân Thủy, xã Sơn Tân cho biết, không hộ nào xây mới chuồng, cũng không mua giống từ công ty cung ứng |
Có mặt tại một số mô hình chăn nuôi, ghi nhận các chuồng trại không có chuồng nào đảm bảo đủ 20 con lợn thịt. Đặc biệt, có hộ còn có cả lợn nái vẫn được tính số đầu con là lợn thịt.Về vấn đề xây dựng chuồng trại mới, tất cả 17 hộ này đều thừa nhận là họ chỉ sửa sang lại chứ không hề xây mới, do kinh phí để xây chuồng mới quá lớn.
Ông Phạm Minh Thành (SN 1958), chủ một hộ chăn nuôi ở thôn Tân Thủy, xã Sơn Tân cho biết: “Tất cả số lợn nhà tôi đều mua ngoài thị trường và lợn nái của nhà đẻ chứ không có công ty nào cung cấp giống cho chúng tôi cả. Khi nuôi đến tháng thì chúng tôi bán lẻ cho các lái buôn thôi. Còn về chuồng trại thì gia đình tôi sửa chữa lại để nuôi được 20 con chứ hoàn toàn không làm mới”.
Đồng ý kiến với ông Thành, một số hộ gia đình khác nằm trong diện được cấp tiền hỗ trợ cũng khẳng định, lợn là tự đi mua và chuồng thì sửa chữa, hoàn toàn không xây mới.
Cố tình làm sai vì... sợ mất chương trình
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Trang, cán bộ kế toán xã Sơn Tân, cũng là thành viên nhóm nghiệm thu công trình cho biết: “Thực chất là không có ai xây chuồng mới cả, họ sửa sang lại chuồng cũ để cho phù hợp. Với lại, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho dân nên nghiệm thu cho đạt hết”.
Đưa vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Đình Nguyên, Chủ tịch UBND xã Sơn Tân, ông này cho rằng: “Rõ ràng không xây chuồng trại mới, không có công ty cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm mà vẫn được nghiệm thu và hỗ trợ mỗi hộ gia đình 30 triệu đồng là sai rồi, sai trầm trọng rồi...”.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng phân trần thêm: “Đây là nguồn hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi theo mục tiêu quốc gia của các năm trước đây để lại, nếu không “hợp thức” và “nghiệm thu” cho bà con thì xã chúng tôi sẽ mất chương trình và không đảm bảo được các tiêu chí đề ra. Thế nên anh em họ linh hoạt cho đạt được chương trình này chứ chúng tôi không có lợi lộc cá nhân nào trong vấn đề này cả” (?!)
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung, Cán bộ công ty TNHH và dịch vụ tổng hợp Trung Hòa có địa chỉ tại thôn Sinh Cờ, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn. Ông Trung cho hay: “Rõ ràng là công ty chúng tôi có hợp đồng cung ứng con giống và bao tiêu sản phẩm cho 17 hộ tại xã Sơn Tân. Nhưng khi đi vào thực hiện thì người dân không mua của chúng tôi, họ mua lợn trôi nổi ngoài thị trường”.
Mô hình chăn nuôi nhếc nhác |
Thừa nhận không xây chuồng trại mới, không mua con giống của công ty cung ứng sản phẩm, thế nhưng vẫn được nghiệm thu cho đạt và nhận số tiền hỗ trợ là kết quả của quá trình làm việc thiếu trách nhiệm của các cán bộ xã Sơn Tân.
Câu hỏi đặt ra là, có chăng việc ký kết hợp đồng giữa người chăn nuôi và đơn vị cung ứng chỉ là một thủ tục trên giấy tờ để được hợp pháp rút tiền từ chương trình mục tiêu quốc gia? Người ta nghi ngờ về việc thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới tại địa phương này.
Vậy vai trò giám sát của Phòng Tài chính, Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đến đâu trong vấn đề này?