Hơn 5 năm nhìn lại, những kỳ vọng ban đầu mà người dân, doanh nghiệp cũng như Quốc hội dành cho luật Thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang ngày càng trở nên tréo nghoe.
Nguy cơ thua ngay trên sân nhà
Hạ tuần tháng 11 năm 2019, Quốc hội đã thông qua luật Thuế 71/2014/QH13 (luật Thuế 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế có hiệu lực từ năm 2015, quy định: Sản phẩm phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Do đó, phân bón chuyển sang danh mục không chịu thuế GTGT, mục đích nhằm giảm gánh nặng chi phí phân bón cho nông dân. Điều này là phù hợp với chủ trương quan trọng của Chính phủ: Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu nhằm điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đi vào thực tiễn, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập, tạo nên những nghịch lý, gây khó khăn cho cả phía doanh nghiệp phân bón cũng như người nông dân.
Về nguyên tắc, hàng hóa không chịu thuế GTGT đầu ra thì những chi phí sản xuất đầu vào như các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị không được khấu trừ. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp buộc phải đưa số thuế không được khấu trừ (từ năm 2015) vào chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm.
Giá phân bón nội địa tăng do chịu ảnh hưởng của luật Thuế 71 khiến nông dân có xu hướng lựa chọn phân bón nhập khẩu. Nguồn ảnh: Internet. |
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật, một lãnh đạo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, tùy theo tình hình giá nguyên liệu đầu vào mà tổng số chi phí tăng lên do không được khấu trừ thuế GTGT là 300-370 tỉ đồng/năm. Trong 5 năm kể từ khi áp dụng luật Thuế 71 (từ năm 2015 - 2019) tổng số tiền thuế không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVFCCo là 1.637 tỉ đồng.
Theo tính toán của hiệp hội Phân bón Việt Nam, tính từ năm 2015 đến 2019, thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của 11 DN phân bón lớn là 3.646 tỉ đồng. Đặc biệt, hai công ty con của Vinachem là DAP và DAP 2 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.
Những doanh nghiệp với quy mô nhỏ hơn cũng không nằm ngoài quy luật. Ông Dương Như Đức, Phó Giám đốc CTCP Phân lân Ninh Bình cũng thừa nhận luật Thuế 71 đã ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
"Ngoài những khó khăn do thị trường, sự cạnh tranh của phân bón nhập khẩu, việc mặt hàng phân bón trong nước không thuộc diện chịu thuế GTGT khiến số chi phí tăng lên (tính vào giá thành) từ 8-10 tỉ đồng/năm. Con số này không lớn so với các doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành, nhưng cũng chiếm từ 2,5-3% tổng giá vốn của Phân lân Ninh Bình", ông Đức chia sẻ.
Việc tăng chi phí của doanh nghiệp có thể bù đắp bằng nội lực, cố gắng "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" như tăng sản lượng, tăng giá thành, nhưng vô hình trung chính điều này khiến doanh nghiệp trong nước gặp bất lợi trước những đối thủ sừng sỏ phân bón nhập khẩu - đối tượng được giảm thuế GTGT 5% so với thời điểm trước khi luật Thuế 71 có hiệu lực.
Nông dân thiệt đơn thiệt kép
Trên góc độ là người tiêu dùng, người nông dân có xu hướng dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân bón nhập khẩu vì giá thành rẻ hơn, bất chấp những khuyến nghị từ các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp về hiện tượng phân bón nhập lậu, kém chất lượng. Điều đương nhiên, họ sẽ suy tính thiệt hơn về túi tiền, về lợi nhuận nhận được từ đồng ruộng hơn là khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam".
Theo số liệu thống kê của hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện luật Thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so với những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Thống kê trên đã chỉ ra một nghịch lý, những kỳ vọng khi luật Thuế 71 có hiệu lực sẽ giúp giảm giá phân bón, hỗ trợ cho người nông dân thì thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Doanh nghiệp kêu khó đã nhiều, ngay từ năm 2015, khi luật Thuế 71 có hiệu lực, nhiều hội thảo đã diễn ra trong không khí khá căng thẳng, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự băn khoăn và cả những "dự cảm" chẳng lành.
Vậy các cơ quan chức năng, bộ ban ngành đành chấp nhận sự thực dù đã có những thống kê rõ ràng về thiệt hại mà cả doanh nghiệp phân bón nội địa cũng như người nông dân đang phải gánh sao?
Trong buổi chia sẻ với PV vào cuối tháng 6/2020, vị lãnh đạo PVFCCo vẫn còn khá nhiều tâm tư. Ông kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét đưa phân bón vào danh mục đối tượng chịu thuế GTGT để góp phần tháo gỡ hàng loạt bất cập nêu trên trong chính sách thuế nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước đồng thời kích cầu tiêu dùng ưu tiên dùng hàng do Việt Nam sản xuất, bảo toàn được vốn Nhà nước do không bị phân bón nhập khẩu phá giá, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu và hỗ trợ bà con nông dân có nguồn cung ứng phân bón với giá ổn định, không bị sốt cục bộ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài.
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng vụ Chính sách thuế (bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đã nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng phân bón, và đưa vào nội dung sửa đổi luật Thuế GTGT với nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%. Tuy nhiên, câu trả lời mà các doanh nghiệp mong ngóng nhất vẫn chưa có lời giải đáp, đó là thời điểm nào họ "được" đóng thuế cho phân bón, sau hơn 5 năm chật vật vừa tìm đường phát triển, vừa tạo được vị thế cạnh tranh đối với sản phẩm nhập khẩu? |
Hiểu Minh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số Thứ 7 (26)